Dân Việt

Trung Quốc xây "Vạn lý trường thành cát" Biển Đông thống trị Thái Bình Dương?

Phương Đăng (tổng hợp) 11/07/2016 19:00 GMT+7
Tòa Trọng tài dự kiến ra phán quyết về vụ kiện Đường lưỡi bò giữa Philippines và Trung Quốc vào ngày mai (12.7). Giới phân tích tin rằng, Trung Quốc sẽ không tuân thủ phán quyết bởi tham vọng của nước này là kiểm soát ngày càng nhiều hơn các rạn san hô, bãi đá cũng như các đảo không người ở Biển Đông làm bàn đạp cho ế hoạch dùng lực lượng tàu ngầm hạt nhân để thống trị Thái Bình Dương.

img

Lực lượng Hải quân Trung Quốc. Ảnh Time/VCG/Getty Images

Trong một bài bình luận được đăng tải trên BBC ngày 11.7, Alexander Neill, chuyên gia cao cấp tại IISS-Asia (Viện Quốc tế Về Nghiên cứu Chiến lược - Châu Á) cảnh báo, Trung Quốc hiện nay đang ra sức bành trướng sức mạnh trên biển và để phục vụ cho mục đích này, họ có thể sớm mở các chuỗi căn cứ quân sự tiên tiến, hiện đại trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp, xây dựng trái phép trên Biển Đông trong một vài năm trở lại đây.

Đô đốc Harry Harris Jr., Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ từng cảnh báo, Trung Quốc "đang tiến hành các hoạt động cải tạo đất chưa từng có trong nhiều tháng để tạo ra một Vạn lý trường thành bằng cát" rộng hơn 4 km2 trên Biển Đông.

Động thái của Trung Quốc khiến dư luận quốc tế đặt câu hỏi, tại sao Bắc Kinh lại ráo riết xây dựng các đảo nhân tạo với tốc độ chóng mặt như vậy?

Đặc biệt là, nhiều chuyên gia phân tích còn quan ngại, một khi Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc ra phán quyết về vụ kiện Đường lưỡi bò phi lý giữa Philippines và Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ càng đẩy nhanh tiến độ của dự án hòng tạo ra một “Vạn lý trường thành bằng cát” trên Biển Đông.

img

Hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc ra sức bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông.

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông. Philippines đệ đơn kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực vụ Đường lưỡi bò từ tháng 1.2013, cáo buộc các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và cần được tòa án quốc tế công nhận là không có căn cứ. Tòa Trọng tài Thường trực tuyên bố, sẽ công bố phán quyết về vụ kiện trên vào ngày 12.7.

Theo ông Alexander Neill, phán quyết của toà đang khiến Trung Quốc cảm thấy chủ quyền quốc gia lẫn sự tin cậy của Đảng Cộng sản cầm quyền đang bị đe dọa. Hơn nữa, một phán quyết bất lợi cho Trung Quốc cũng đe dọa khả năng răn đe hạt nhân trên biển đang ngày càng được củng cố của nước này.

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ phân chia công cụ răn đe hạt nhân chiến lược thành ba mũi nhọn, gồm tên lửa tầm xa, máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân.  Trung Quốc cũng đang theo đuổi một chiến lược giống với những gì Mỹ và Liên Xô làm cách đây 50 năm khi sở hữu tên lửa mặt đất, máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm gắn tên lửa hạt nhân.

Ông Alexander Neill  nhận định, tham vọng của Bắc Kinh là kiểm soát ngày càng nhiều hơn các rạn san hô, bãi đá cũng như các đảo không người ở trên Biển Đông và việc này nhằm mục đích kép. Một là, củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc bằng cách tạo ra sự hiện diện liên tục, cả quân sự lẫn dân sự trong khu vực. Hai là, hình thành một “Vạn lý trường thành bằng cát” trên Biển Đông – bàn đạp cho kế hoạch dùng lực lượng tàu ngầm hạt nhân thống trị Thái Bình Dương.

img

Tàu ngầm Trung Quốc.

Theo chuyên gia phân tích này, quân đội Trung Quốc lâu nay vẫn hết sức quan ngại về những lỗ hổng trong khả năng răn đe hạt nhân trên đất liền cũng như khả năng phát động một cuộc tấn công trả đũa và để bù đắp cho những điều đó, Bắc Kinh đã triển khai một số đầu đạn hạt nhân lên hạm đội tàu ngầm của nước này.

Hai năm trước, Trung Quốc bắt đầu trang bị loạt tên lửa hạt nhân JL-2 cho các tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin. Theo đó, mỗi tàu ngầm được trang bị 12 tên lửa hạt nhân.

Thuộc biên chế của Hạm đội Nam Hải, có căn cứ ở đảo Hải Nam (Trung Quốc), các tàu ngầm lớp Jin hiện được giao nhiệm vụ tuần tra thường xuyên dưới lòng Biển Đông.

Nhưng để “qua mặt” được các lực lượng Mỹ trong khu vực, các tàu ngầm Trung Quốc  phải có khả năng đổ bộ vào Thái Bình Dương và thống trị lòng đại dương.

 Tuy nhiên, trước khi các tàu ngầm Trung Quốc làm được điều đó, chúng phải rời khỏi căn cứ ở đảo Hải Nam, băng qua Biển Đông và “đột nhập” vào Thái Bình Dương mà không bị phát hiện. Lầu Năm góc tin rằng, Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc thâm nhập như vậy trong năm nay.

Với lực lượng hải quân mạnh cùng công nghệ hiện đại, Mỹ gần như có thể đưa tàu ngầm tới bất kỳ địa điểm nào trên các đại dương.

Tuy nhiên, sự hạn chế về tầm bắn của vũ khí và khả năng tàng hình của tàu ngầm buộc Bắc Kinh phải tìm địa điểm lý tưởng để có thể bảo vệ hạm đội tàu ngầm trước khả năng săn tìm của Mỹ và đồng minh. Và Biển Đông, nơi có những thềm lục địa sâu tới 4.000 m, được xem là nơi lý tưởng giúp tàu ngầm Trung Quốc “ẩn mình”.

Theo đó, việc kiểm soát được Biển Đông thông qua hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp có thể giúp tàu ngầm Trung Quốc hoạt động xa căn cứ ở đảo Hải Nam,“trốn tránh” các hệ thống săn ngầm của Mỹ. Nhiều nhà phân tích tin rằng, Bắc Kinh có thể biến Biển Đông thành “pháo đài tàu ngầm” của nước này trong tương lai.

"Biển Đông là nơi rất tốt để Trung Quốc che giấu hạm đội tàu ngầm của mình. Vùng biển này có nơi sâu đến hàng nghìn mét, với nhiều rãnh núi ngầm bên dưới, giúp tàu ngầm có thể dễ dàng ẩn nấp mà không bị phát hiện", Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia phân tích an ninh tại Đại học New South Wales (Australia) nhận định.

Không chỉ củng cố sức mạnh hạm đội tàu ngầm, gần đây, Trung Quốc còn củng cố khả năng săn ngầm của mình tại Biển Đông. Ngày 8.6 mới đây, Hải quân Trung Quốc đã đưa khinh hạm mới Type 056A, Qujing vào hoạt động. Khinh hạm này được trang bị khả năng tác chiến chống ngầm hiện đại và tinh vi.  

Ngoài ra, giới phân tích còn tin rằng, Trung Quốc cũng đang ráo riết lắp đặt mạng lưới cảm biến tinh vi, hiện đại bao gồm các mảng radar và các trạm thông tin liên lạc bằng vệ tinh trên khắp các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Mạng lưới này không chỉ giúp chỉ đạo mà còn kiểm soát thông tin liên lạc với Lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc, giúp các tàu ngầm nước này “tàng hình” và lặng lẽ tấn công các đối thủ.