Ngoại trưởng Philippines nói với AFP ngày 8.7 rằng Philippines rất cởi mở trong việc chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc
Ngày 9.7, trên trang web của Bộ ngoại giao Philippines có đăng tải một bài viết, trong đó Ngoại trưởng Philippines giải thích về lời nói trước đó của ông.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói với AFP ngày 8.7 rằng sau khi tòa án quốc tế đưa ra phán quyết Biển Đông, chính quyền mới của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte "hy vọng sẽ nhanh chóng bắt đầu cuộc đàm phán trực tiếp với Trung Quốc", và sẽ cân nhắc việc cùng khai thác khí đốt tự nhiên và ngư trường trong khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tuy nhiên, một ngày sau, ông Yasay đã nhanh chóng đưa ra phát biểu để giải thích những gì mình nói trước đó.
Ông Yasay vừa giải thích lại tuyên bố trước đó của mình
"Những gì tôi nói là chúng ta phải chờ đợi phán quyết, sau đó nghiên cứu và phân tích kĩ lưỡng," ông nói trong tuyên bố trên trang web của Bộ ngoại giao.
"Vì phán quyết sẽ không giải quyết vấn đề chủ quyền và phân định ranh giới, nên đến một thời điểm nào đó trong tương lai, các quốc gia tranh chấp có thể cân nhắc tham gia các thỏa thuận như thăm dò chung và khai thác tài nguyên trong khu vực tranh chấp mà không gây tổn lại đến tuyên bố chủ quyền và phân định ranh giới biển của các bên theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển”.
Trong khi Tổng thống mới Duterte đang có một cách tiếp cận “hòa giải” hơn với Trung Quốc, chính quyền trước đây của Tổng thống Benigno Aquino III đã kiện Trung Quốc vào năm 2013 tại tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague Hà Lan, thách thức tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bắc Kinh sau đó tuyên bố sẽ không tham gia vụ kiện và cũng sẽ bỏ qua mọi quán quyết.
Bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc
Trong cuộc phỏng vấn ngày 8.7, Yasay đã nói Manila rất cởi mở trong việc chia sẻ bãi cạn Scarborough, một ngư trường giàu có trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mà Trung Quốc nắm quyền kiểm soát từ năm 2012. Ông còn nói thêm "trong lịch sử, khu vực này không chỉ là ngư trường Philippines khai thác mà cả Trung Quốc."
Ông nhận định vấn đề chủ quyền sẽ không được giải quyết trong nhiều năm, gọi đây là một "vấn đề thế hệ", và các bên tranh chấp phải hợp tác với nhau trong thời gian đó.
Các nhà phân tích chỉ trích phát biểu của ông Yasay, nói rằng tuyên bố này có thể "phá hoại" vị thế của Philippines trong các vấn đề Biển Đông.
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), khu đặc quyền kinh tế của một quốc gia kéo dài 200 hải lý tính từ bờ biển của quốc gia đó. Nước này có quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên trong khu vực đó.