Thưa Trung tướng, ông đánh giá thế nào về kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư ngày 11.7 sau khi kiểm tra những dấu hiệu sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang?
- Tôi hoan nghênh Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã vào cuộc nhanh ngay sau chỉ đạo của Tổng Bí thư và cũng kiểm tra, có kết luận kịp thời. Tuy nhiên, theo tôi phải tiếp tục kiểm tra nữa. Một người sai phạm không phải do cá nhân anh ta mà phải có cả đường dây hỗ trợ, nhất là trong trường hợp của Trịnh Xuân Thanh liên quan tới công tác tổ chức cán bộ. Phải theo tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư, cơ quan chức năng phải tìm cho ra nhóm lợi ích trong vụ việc này.
Ông Trịnh Xuân Thanh- được tặng hoa chúc mừng khi nhậm chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang
Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng nhắc tới trách nhiệm của nhiều đơn vị liên quan như Ban Tổ chức T.Ư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ?
- Đúng vậy, sự việc này không phải chỉ giải quyết vấn đề của mình ông Trịnh Xuân Thanh, mà nó là vấn đề của cả một quy trình bổ nhiệm, đề bạt, quản lý cán bộ. Theo tôi, chỉ nên coi đây là thắng lợi bước đầu. Trịnh Xuân Thanh chỉ là một mắt xích trong cả đường dây của nhóm lợi ích? Nếu chỉ chặt một mắt xích mà không phá cả đường dây thì việc nối lại mắt xích khác sẽ rất dễ dàng.
Vì thế, ngoài Trịnh Xuân Thanh, những tổ chức cá nhân liên quan cần phải được kiểm tra, nêu tên đích danh và có biện pháp xử lý. Như vậy, những lỏng lẻo trong công tác tổ chức cán bộ mới được siết chặt lại.
Mong rằng Ủy ban Kiểm tra T.Ư vẫn tiếp tục làm mạnh hơn nữa, đi đến cùng vụ việc này. Tôi nhắc lại, nếu chỉ chặt một mắt xích này thì người ta sẽ dễ dàng nối lại bằng mắt xích khác để cả đường dây hoạt động được.
Qua vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, theo Trung tướng, đâu là bài học rút ra trong công tác cán bộ của ta?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước |
- Những tiêu cực trong công tác cán bộ cũng từ chuyện tham nhũng mà ra. Vì thế, phải chống tham nhũng triệt để hơn nữa. Và theo tôi, việc xử lý những trường hợp như Trịnh Xuân Thanh chỉ là giải pháp chặt ngọn. Nếu muốn triệt để, phải phòng từ gốc, không để xảy ra chuyện mới xử lý, như vậy là thua rồi vì Đảng, Nhà nước đã mất đi cán bộ rồi.
Rõ ràng, phải siết chặt lại công tác cán bộ ở tất cả các khâu. Có thể khi lựa chọn cán bộ, chúng ta chọn được người tốt nhưng trong quá trình công tác, khi đã có quyền lực trong tay có người lại bị tha hóa, hư hỏng. Như vậy, lựa chọn tốt không thôi chưa đủ, mà phải làm tốt cả khâu giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ. Tóm lại, phải làm tốt cả quy trình: Từ tuyển chọn sử dụng, quản lý, kiểm tra, phải làm đồng bộ thì mới đảm bảo.
Dư luận vẫn nói về chuyện dùng tiền chạy chức chạy quyền. Ở trong vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, theo ông có hay không chuyện này khi mà một cán bộ trong suốt quá trình công tác đều có khuyết điểm lớn, nhưng vẫn liên tục được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng hơn ở cả T.Ư và địa phương?
- Tôi chưa có cơ sở để khẳng định chuyện này, nhưng cần nhớ rằng vấn đề chạy chức chạy quyền cũng liên quan tới nhóm lợi ích. Chạy chức chạy quyền nó cũng phải có đường dây, một anh xin, một anh cho mới hình thành một đường dây. Nhóm lợi ích theo tôi manh nha bắt nguồn chính từ cơ chế xin – cho, cấp dưới xin cấp trên, lợi ích của họ gắn với nhau tạo nên các mắt xích. Khi các mắt xích khép kín thành đường dây thì việc phát hiện sẽ vô cùng khó khăn vì họ sẵn sàng bao che cho nhau. Bao che cho đồng bọn cũng chính là bao che cho mình. Do đó, tôi nhắc lại, muốn giải quyết triệt để thì phải giải quyết cả đường dây, cả nhóm lợi ích chứ không thể xử một mắt xích riêng lẻ.
Trong câu chuyện này có liên quan tới trách nhiệm của những cán bộ đã nghỉ hưu, nay không còn đảm đương chức vụ nữa. Phải chăng đã “hạ cánh” thì sẽ an toàn, thưa ông?
- Đúng là luật pháp của chúng ta quy định là không hồi tố. Nhưng với các quy định trong Đảng, bất cứ khi nào phát hiện sai phạm của anh thì dù anh đương chức hay đã nghỉ hưu cũng không thể trốn tránh trách nhiệm được. Chúng ta phải làm sao để không còn tồn tại khái niệm “hạ cánh an toàn” khi bản thân anh “không an toàn”.
Kể cả “đã hạ cánh, vẫn có thể không an toàn nếu anh làm điều sai”. Như vậy chúng ta mới đào tận gốc rễ, bản chất của tham nhũng, của nhóm lợi ích tiêu cực.
Xin cảm ơn Trung tướng!
Trao đổi với Dân Việt trưa 12.7, một cán bộ nguyên là lãnh đạo Ban Tổ chức T.Ư đánh giá cao thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về ông Trịnh Xuân Thanh.Vị cán bộ này cho rằng Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có bản kết luận khá rõ ràng, đầy đủ các vi phạm của ông Thanh. Tuy nhiên, vị cán bộ này cho rằng Ủy ban Kiểm tra T.Ư cần phải tiếp tục xem xét tư cách Tỉnh ủy viên của ông Trịnh Xuân Thanh nữa. “Một người đã bị đề nghị xem xét tư cách ĐBQH, bị thôi chức vụ trong chính quyền thì cũng nên cân nhắc xem xét cả chức vụ trong Đảng, đặc biệt là với vai trò Tỉnh ủy viên”, vị cán bộ này nhìn nhận. Ông cũng đánh giá bản kết luận này cũng đúng với những gì mà ông đã hình dung: Đó là không chỉ kiểm điểm trách nhiệm cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh mà có cả kiểm điểm trách nhiệm của Ban Can sự Bộ Công Thương, Tỉnh ủy Hậu Giang, Tập đoàn Dầu khí, thậm chí cả Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Nội vụ… Về trách nhiệm của Ban Tổ chức T.Ư, vị cán bộ nguyên là lãnh đạo Ban phân tích: “Có thể khi ông Thanh được Hậu Giang xin về làm lãnh đạo tỉnh thì Ban Tổ chức T.Ư không nắm được. Tuy nhiên, khi ông Thanh đã trở thành Phó Chủ tịch UBDN tỉnh thì ông Thanh là cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Tổ chức T.Ư. Do đó xem xét cả trách nhiệm của Ban Tổ chức T.Ư trong vụ việc này là hợp lý”. |