Dân Việt

Lăn tăn chuyện 500 tấn vàng trong dân

Hoàng Linh 13/07/2016 06:00 GMT+7
Các biện pháp phi kinh tế hoặc phi trực tiếp đánh vào vàng tiết kiệm của dân là không ổn, trừ khi luật thay đổi.

 Vàng trong nhà dân- của để dành theo truyền thống hay được huy động để đầu tư phát triển để tránh lãnh phí nguồn lực là câu chuyện gây bàn tán nhiều trong mấy ngày qua và sẽ còn như thế.

 Từ nhỏ tôi được ông bà giải thích chuyện nhà ai, dù nghèo cách mấy cũng phải sắm ít vàng phòng khi hữu sự, cưới hỏi, tang ma…Tôi đặc biệt thích thú với mấy miếng vàng vụn vài phân đặt vào miệng để cho người chết qua đò ở sông Nại Hà đi đầu thai. Thông tục này cũng được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp kể trong một truyện ngắn.

 Sao không là cái gì khác mà là vàng?

 Quá nhiều biến động suốt chiều dài lịch sử buộc người dân phải phân vân khi giữ tiền, bất động sản hoặc giấy tờ có giá trị khác…vốn là thứ có thể mất giá hoặc khó chuyển đổi. Trong lúc vàng chưa bao giờ làm khó…người xem nó là của để dành. Như vậy rõ ràng trong cộng đồng người dân bình thường giữ vàng là hình thức tiết kiệm bảo toàn chứ không phải đầu tư sinh lãi hay mua đi bán lại kiếm chênh lệch.

 Và đó cũng chính là khâu khó đả thông khi chính phủ có chủ trương huy động vàng trong dân để phục vụ cho đầu tư phát triển.

 Nhiều chuyên gia cho rằng để phá vỡ định kiến giữ vàng, ghim vàng, ôm vàng…cần giấy hóa vàng bằng hình thức chứng chỉ vàng.

  Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói: “Một trong những cách thức để người dân thay vì giữ vàng trong nhà thì Nhà nước phát hành chứng chỉ vàng. Theo đó, cơ quan chức năng cho ngân hàng thương mại lớn, có năng lực tài chính phát hành chứng chỉ vàng - vì thế cũng có người gọi là “vàng giấy”.

Người dân đưa vàng vào ngân hàng, đổi lại họ sẽ giữ một tờ giấy chứng nhận số vàng đó thay vì cất vàng ở trong nhà. Và chứng chỉ vàng đó được cầm cố, thế chấp, bán khi cần. Làm được thế sẽ huy động được một lượng vốn cho nền kinh tế để phục vụ sản xuất kinh doanh, xây dựng cầu đường... Còn với người dân, giữ chứng chỉ vàng an toàn hơn là giữ vàng vật chất trong nhà, còn nếu gửi vào ngân hàng thì sẽ mất phí”.

Lại có ý kiến kiểu cưỡng ép phi trực tiếp tương tự là đánh thuế, phí vào vàng, coi vàng là loại hàng hóa xa xỉ phẩm như máy lạnh, xe ô tô.

img

Ông Nguyễn Hoàng Hải- Phó chủ tịch hiệp hội đầu tư nêu: “Theo tôi, cần tính đến việc đánh thuế mua bán vàng để hướng dòng vốn vào các kênh đầu tư khác có lợi hơn. Đó cũng là cách hỗ trợ việc đánh thức nguồn vốn trong dân. Hiện tại, giao dịch vàng gần như miễn phí, nếu có cũng rất thấp. Phải coi vàng thuộc nhóm xa xỉ phẩm, cũng giống ôtô, điều hòa nhiệt độ...

Nhiều nước đã làm điều này. Bởi hiện nay việc mua, cất giữ vàng còn nguy hiểm hơn cả mua và giữ ngoại tệ. Mua ngoại tệ người ta còn có xu hướng đem tiền gửi lại ngân hàng, từ đó cho vay để sản xuất kinh doanh. Còn với vàng, nhiều người mua vàng rồi cất giữ trong nhà, rất rủi ro”.

Ý kiến nêu trên gặp phải sự phản ứng trái chiều của người dân, “Từ vàng ra tiền, tiền cũng là vàng. Mà tiền thì đã đóng thuế thu nhập rồi, nhất là giới công nhân, viên chức nghèo khổ, bằng cách chi cũng không thể trốn được thuế. Họ chắt chiu dành dụm mua từng phân vàng làm của phòng hậu sự. Lĩnh lương đã phải đóng thuế rồi, giờ đi mua một ít vàng lại đóng thuế lần thứ hai?!.”

Tôi cho rằng các biện pháp phi kinh tế hoặc phi trực tiếp đánh vào vàng tiết kiệm của dân kiểu như trên là không ổn, trừ khi luật thay đổi.

 Luật Dân sự quy định rất rõ về quyền định đoạt tài sản của công dân. Điều 197. Quyền định đoạt của chủ sở hữu”: Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.

Như vậy pháp luật trao quyền rất lớn cho chủ sở hữu tài sản về việc định đoạt giữ lại, cho tặng, trao đổi, buôn bán…quyền này chỉ bị hạn chế khi có quy định pháp luật, ở đây là phải thay đổi luật Dân sự nếu ở phương diện chính sách quốc gia.

Như vậy không thể áp dụng các biện pháp bắt buộc mà phải bằng các chính sách đôi bên cùng có lợi, chính phủ đề ra các chính sách huy động hấp dẫn, lợi nhuận cao và an toàn hơn các hình thức đầu tư, tiết kiệm khác để người dân vui vẻ mở tủ lấy vàng đi đầu tư.

Ai cũng biết, của để dành là của không sinh lãi, cực chẳng đã mới dành dụm mua vài chỉ, vài lượng vàng phòng thân và hoàn toàn vào sự lên xuống không đoán định được của giá vàng. Nhưng đầu tư vào một kênh nào đó trước hết và cuối cùng vẫn là lòng tin.

Vàng trong dân không chỉ có giá trị của để dành mà đã “cứu nguy” nền kinh tế nhiều lần khi thiên tai, mất mùa, khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà lịch sử kinh tế xã hội đã xảy ra nhiều lần rồi. Có người còn cho rằng, không chỉ vàng, các hình thức tiết kiệm trong dân còn là hàng rào phòng thủ kinh tế quốc gia mà các đợt biến động về tiền, lạm phát kinh tế nhiều năm trước đã cho thấy.

Tôi và nhiều người tán thành đề xuất của các chuyên gia là không nên thu phí vàng mà cần có chính sách để người dân thấy rằng vàng không phải là kênh đầu tư hấp dẫn và người dân sẽ tự nguyện chuyển đổi hình thức tiết kiệm, đầu tư cho phù hợp.