Tạo cơ chế giúp nông dân
Trên cơ sở tổng kết các chuyến đi tại Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan, ông Trần Trường Sơn – Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM nhận định, nhìn chung chính phủ các nước rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp. Họ đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ chế thuận lợi giúp ND phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Và những chuyến du học làm nông của ND thành phố đã cho kết quả tốt.
Bà Đặng Lê Thị Thanh Huyển đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý sau khi du học làm nông. Ảnh: T.Đ
Việc ra nước ngoài học tập kinh nghiệm làm nông mới đã giúp chúng tôi thấy được người ta hơn mình chỗ nào. Những kinh nghiệm học được sẽ giúp mình tiến bộ, là động lực để nâng cao năng lực sản xuất và cho ra những sản phẩm chất lượng cao”. Bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền – chủ vườn lan Huyền Thoại (Củ Chi) |
Điển hình như ở vùng lãnh thổ Đài Loan, chính sách đất sản xuất nông nghiệp tại đây đang rất phát huy hiệu quả. Chính quyền thu hồi đất nông nghiệp đối với hộ ND không có nhu cầu sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp và bù trả cho hộ ND đó một giá trị bảo đảm cao hơn giá thị trường đất đai. Đồng thời đất đó giao lại cho các doanh nghiệp, hộ ND với giá thấp hơn hoặc cho thuê dài hạn nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp có sự định hướng về loại cây trồng, vật nuôi theo chiến lược phát triển nông nghiệp của Nhà nước.
Theo TS Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cách làm kinh tế hợp tác của Đài Loan rất đáng để chúng ta tìm hiểu và học tập. Ở đó, ND trước khi vào hợp tác xã (HTX) đều phải tham gia khóa đào tạo tập trung về kinh tế hợp tác để ND có cái nhìn tổng quan và hình dung những quyền lợi, nghĩa vụ trước khi tham gia.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Thái Lan, việc tích tụ đất đai thông qua sự liên kết giữa các hộ ND. Tại đây, việc xoá bỏ hạn điền đã góp phần tạo ra vùng sản xuất chuyên canh, kích thích hộ ND đầu tư tích tụ đất để thành lập trang trại liên kết với các nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm thực hành chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và giá cạnh tranh. Vì thế, quy mô các vườn trồng lan ở Thái Lan khá lớn, có nơi diện tích lên tới 50ha (vườn lan Air Orchid – Thái Lan) và được đầu tư theo chuỗi sản xuất và tiêu thụ gồm: Phòng cấy mô; khu sản xuất; khu sơ chế; khu thành phẩm; hệ thống phân phối.
Khởi động những kinh nghiệm hay
TP.HCM hiện có 12 quận, huyện sản xuất nông nghiệp với trên 90.000 hộ ND đang tham gia sản xuất. Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp giảm dần, thành phố xác định vùng nông thôn ngoại thành cần chuyển đổi theo hướng nông nghiệp đô thị. Tuy vậy, nguồn nhân lực lao động cho nông nghiệp đô thị nhìn chung vẫn dựa trên kinh nghiệm và truyền thống hơn là được đào tạo bài bản.
Chính vì vậy, tháng 10.2013, UBND thành phố đã phê duyệt đề án đưa ND đi học tập ở nước ngoài giai đoạn 2013 - 2018 nhằm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành nông nghiệp có trình độ đáp ứng được yêu cầu phát triển nền nông nghiệp đô thị.
Sau 2 năm thực hiện đề án, ông Sơn cho rằng, từ kinh nghiệm làm nông của các nước, thành phố đã tập trung nhiều giải pháp nhằm nâng chất các phong trào ND và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ ND về vốn, dạy nghề, xúc tiến thương mại, giúp ND phát triển sản xuất và ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, một số hộ nông dân, trang trại, HTX đã có sự đầu tư về kỹ thuật, phương thức mới vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ như: Sản phẩm Nấm Việt (HTX Nấm Việt); sản xuất - chế biến – tiêu thụ sữa bò (HTX Bò sữa Tân Thông Hội); đầu tư phát triển hoa lan về diện tích, giống, kỹ thuật, thị trường và hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ (bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền - HTX hoa lan Huyền Thoại); sản xuất rau VietGAP gắn với thị trường tiêu thụ (HTX Ngã Ba Giồng; HTX Phước An)…
Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp Khu nông nghiệp công nghệ cao xây dựng Đề án "Đào tạo nguồn nhân lực lao động nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 – 2020"; phối hợp Công ty TNHH MTV Công viên phần mềm Quang Trung giới thiệu các phần mềm ứng dụng tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp cho ND, HTX, trang trại, phối hợp Sở Công Thương tổ chức 2 phiên chợ nông sản để nông dân tiêu thụ hàng hóa thuận lợi.