Người dân Philippines biểu tình ngày 12.7 phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông
Brexit là từ ghép của Britain và Exit, gắn với việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Còn với người Philippines, Chexit là từ ghép giữa China và Exit, thể hiện người Philippines muốn Trung Quốc từ bỏ những hành động phi lý, vi phạm chủ quyền ở Biển Đông.
Cụm từ Chexit đã lan tỏa nhanh chóng trên mạng xã hội, và nó cũng được sử dụng trên bảng hiệu trong các cuộc biểu tình phản đối chiến thuật của Trung Quốc. Trong cuộc biểu tình ngày 12.7 bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại thủ đô Manila, Philippines, rất nhiều người dân mang mô hình thuyền đánh cá đi khắp phố phường, lên án yêu sách của TQ muốn chiếm các ngư trường giàu có thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Mô hình tàu cá treo cờ Philippines của người biểu tình trên phố
Từ khóa #Chexit là một trong 5 hashtag được dùng nhiều nhất trên mạng xã hội Twitter vào sáng nay ở Philippines. Rất nhiều người chia sẻ và đăng tải về Biển Tây Philippines. Năm 2012, đáp trả tham vọng của Trung Quốc, Tổng thống Benigno Aquino III thời đó đã kí một sắc lệnh đổi tên một phần Biển Đông thuộc EEZ của Philippines, thành Biển Tây Philippines.
Cụm từ Chexit đang trở nên nổi tiếng tại Philippines
Chiều 12.7, tòa án quốc tế tại Hà Lan đã bác bỏ tuyên bố "đường lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông, cho rằng tuyên bố này không có căn cứ pháp lý. Đồng thời, tòa cũng tuyên bố Bắc Kinh đã vi phạm chủ quyền của Philippines trong EEZ của quốc gia này.
Trung Quốc gọi quyết định của tòa án là “vô hiệu" và Bắc Kinh không chấp nhận hay thừa nhận nó. Đồng thời, nước này cũng gọi phán quyết của tòa là bất hợp pháp và không có cơ sở, theo BBC.
Con tàu đánh cá với dòng chữ: "Trung Quốc, hãy tôn trọng quyền lợi của ngư dân chúng tôi"