Dân Việt

Xử phạt 42 công ty đa cấp với tổng số tiền là... 2,8 tỷ đồng

Thanh Xuân (thực hiện) 12/07/2016 19:20 GMT+7
Trả lời báo chí ngày 12.7, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, tính từ tháng 1.2016, tổng số tiền xử phạt 42 công ty bán hàng đa cấp vi phạm là 2,8 tỷ đồng.

Thưa ông, vừa qua Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra 4/7 công ty kinh doanh bán hàng đa cấp. Qua đó cho thấy, công ty nào cũng phát hiện rất nhiều lỗi, có phải sờ đâu cũng thấy sai phạm?

img

-Trong quá trình kinh doanh của các doanh nghiệp, nếu họ không để ý đến các quy định của pháp luật thì rất dễ vi phạm hành chính. Trong lĩnh vực kinh doanh bán hàng đa cấp cũng vậy, khi chúng tôi đi kiểm tra đã phát hiện ra một số vi phạm. Ví dụ như xây dựng mạng lưới bán hàng đa cấp, ký kế hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp… chưa đúng quy định của pháp luật. Tất cả các vi phạm đó đã được chúng tôi thông báo công khai và sẽ có xử lý trong thời gian tới.

Thực tế, các vi phạm đã diễn ra trong thời gian rất dài mới bị phát hiện, theo ông có phải là Bộ Công Thương và các Sở Công Thương đã buông lỏng quản lý hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp sau khi đã cấp phép cho họ không?

- Xét trên khía cạnh quản lý, Bộ Công Thương có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho các doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật và sau đó tổ chức kiểm tra. Ngay sau khi tiếp nhận cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp, thì 6 tháng sau chúng tôi đã tổ chức kiểm tra thường xuyên. Đợt kiểm tra này cũng là đợt kiểm tra ở cấp bộ bao gồm nhiều cơ quan trong Bộ Công Thương để xem xét lại hoạt động bán hàng đa cấp. Ở đây, khi đi kiểm tra có doanh nghiệp vi phạm và vi phạm đến đâu chúng tôi sẽ xử lý đến đó. Nếu có biểu hiện vi phạm hành chính thì xử lý hành chính còn có vi phạm khác ở cấp độ hình sự sẽ chuyển sang cơ quan công an xem xét, xử lý.

Riêng đối với Sở Công Thương, theo ông phải có trách nhiệm thế nào khi để xảy ra các sai phạm của những công ty bán hàng đa cấp?

- Tính từ tháng 1.2016, các Sở Công Thương đã xử phạt 42 công ty, kể cả các công ty đã được cấp giấy chứng nhận và chưa được cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp. Tổng số tiền xử phạt các công ty vi phạm của các Sở Công Thương cũng đã đạt được 2,8 tỷ đồng. Đặc biệt, từ đầu năm có sự phối hợp giữa Bộ và các Sở để công tác kiểm tra kiểm sóat đạt hiệu quả tốt hơn, hướng đến một thị trường bán hàng đa cấp trật tự hơn trong thời gian tới.

Đối với những người dân đã đóng tiền cho các công ty bán hàng đa cấp nhưng không nhận hàng thì Bộ Công Thương có hỗ trợ gì cho người tham gia vào mạng lưới của công ty bán hàng đa cấp hay không?

- Khi đi kiểm tra, chúng tôi phát hiện được ra 2 đối tượng tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Những người tham gia thực sự, họ thực sự mong muốn trở thành mạng lưới tham gia bán hàng đa cấp. Họ đóng tiền cho công ty, sau đó có nhận lại hàng để đi bán hàng. Tuy nhiên, vì một số lý do nào đó, họ không tiêu thụ được số hàng đó và họ mong muốn trả lại hàng cho công ty để lấy lại tiền theo đúng quy định của pháp luật. Trong những trường hợp đó, nếu công ty từ chối không nhận lại hàng mà không có lý do chính đáng thì chúng tôi chắc chắn sẽ vào cuộc để bảo vệ quyền lợi đến cùng của những người tham gia bán hàng đa cấp đó.

Còn một đối tượng thứ 2 cũng tham gia vào mạng lưới của công ty, nhưng họ không phải là người bán hàng đa cấp thực sự. Họ đưa tiền của công ty nhưng không nhận hàng mà thậm chí từ chối nhận hàng. Họ chỉ mong chờ khoản lãi do công ty chi trả chứ không bán hàng. Đây là quan hệ hoàn toàn khác, không phải là quan hệ bán hàng đa cấp nữa. Do đó, khi có tranh chấp xảy ra giữa các bên với nhau, cần có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu là tranh chấp dân sự có thể đưa ra tòa án còn nếu một bên cho rằng bên kia có dấu hiệu lừa đảo có thể tìm đến cơ quan công an điều tra đề nghị điều tra làm rõ.

Trân trọng cảm ơn ông!