Ông Diệp Đăng Dũng cho biết: “Heo làng có gốc gác từ heo rừng nhưng lai tạp qua nhiều đời khác nhau nên không còn giống heo rừng nữa. Đặc điểm nhận dạng của chúng là nhỏ con, mang màu đen và chạy tứ tung trong làng”.
Theo ông Dũng, heo làng có sức đề kháng cao, chịu được thời tiết khắc nghiệt, dễ nuôi và không tốn nhiều thức ăn hay công chăm sóc.
Heo làng cũng thích nghi với mọi loại địa hình, khí hậu ở miền núi.
Thịt heo làng được đánh giá là thơm ngon, săn chắc, nhiều nạc nhưng mềm, da dày, giòn, giá trị dinh dưỡng cao nên ngày càng được thị trường nhiều nơi ưa chuộng.
Ông Dũng cho biết: “Thức ăn cho heo làng chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp: chuối cây, cỏ, bắp và một phần cám gạo. Chúng tự kiếm ăn trong rừng nên mỗi ngày, hai bữa tôi chỉ trộn bắp, cám và bổ sung thêm cỏ và chuối cây cho heo ăn. Việc tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn và không phải làm chuồng nên việc nuôi heo làng ít phải tốn chi phí như nuôi heo thông thường”.
Heo làng vẫn giữ lối sống bầy đàn, thích vận động ở không gian rộng, thích ủi đất và đầm nước khi mùa nắng nóng.
Heo nái khi sinh sản tự tìm ổ đẻ, không cần sự can thiệp của người nuôi.
Heo con sau khi ra đời nhanh chóng khỏe mạnh, chạy nhảy và nhanh chóng tách mẹ sau hơn 1 tháng.
“Trước khi bắt tay chăn nuôi heo làng thì người nuôi cần tìm hiểu một vài thông tin về loài heo này. Đây là một trong những giống heo có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống, nhất là những nơi rộng rãi, thoáng mát. Khi chọn giống nuôi, cần chú ý lựa chọn những con có đầu nhỏ, lưng thẳng, ngực sâu, hông to, lông mịn, bước di chuyển nhanh nhẹn và đặc biệt là có màu đen đặc trưng….”- ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Dũng, mỗi con heo làng (nái) đẻ 2 lứa/ năm với gần 15 con heo con/ lứa và sau khi nuôi 5 tháng là gia đình ông có thể xuất bán đàn heo thịt với giá 100.000 đồng/ kg. Với 2 con heo làng (nái) mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 20 triệu đồng tiền bán heo con. “Đàn heo làng tự lo việc kiếm ăn và tự tìm đối tác để tính chuyện sinh con. Gia đình tôi không làm chuồng như cách nuôi heo thông thường vì môi trường chuồng không phù hợp với heo làng. Khi mang thai, chúng tự làm ổ và sinh sản ngay trong rừng nên gia đình tôi rất ít tốn công chăm sóc, chi phí ăn uống”- ông Dũng cho biết.