Báo cáo tại hội nghị này, đại diện Bộ NNPTNT cho biết: Đến 30.6.2016 Bộ NNPTNT đã tổ chức thẩm định mô hình sắp xếp đổi mới cho 251 công ty (117 công ty nông nghiệp, 134 công ty lâm nghiệp); Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mô hình sắp xếp, đổi mới 243 công ty (114 công ty nông nghiệp, 129 công ty lâm nghiệp). Có 14 công ty nông, lâm nghiệp chưa xây dựng phương án hoặc phải xây dựng phương án bổ sung chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp hiện đang quản lý, sử dụng trước khi sắp xếp lại theo Nghị định 118 là 2,383 triệu ha. Dự kiến sắp xếp lại đất đai các công ty giữ lại quản lý, sử dụng: 1,938 triệu ha, giao về địa phương 452.055ha.
Theo kết quả tổng hợp tại phương án tổng thể và báo cáo của các đơn vị tính đến 25.12.2015, giá trị tài sản theo sổ sách của các công ty nông, lâm nghiệp là 40.517 tỷ đồng, bình quân lợi nhuận trước thuế 3 năm 2012-2014 là 2.797 tỷ đồng. Khối các công ty nông nghiệp chiếm tỷ trọng tài sản và lợi nhuận cao hơn khối các công ty lâm nghiệp.
Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: “Tổng số lỗ lũy kế 1.071 tỷ đồng chiếm 4% vốn chủ sở hữu, số lỗ lũy kế tập trung phần lớn tại các công ty nông nghiệp, nhiều công ty có lỗ lũy kế trên 20 tỷ đồng như Công ty TNHHMTV cà phê Ia Châm 52 tỷ đồng, công ty TNHHMTV cà phê Ea Tul 40 tỷ đồng, công ty TNHHMTV cà phê Chư Quynh 33 tỷ đồng, Tổng công ty 15 – Bộ Quốc phòng 334 tỷ đồng. Những công ty có số lỗ lũy kế vượt quá ¾ vốn chủ sở hữu đều thực hiện giải thể”.
Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nợ vay của các công ty nông, lâm nghiệp được cập nhật đến thời điểm 31.3.2016, 96 công ty nông lâm nghiệp có phát sinh vay vốn tại các tổ chức tín dụng với dư nợ gần 6.455 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay trung, dài hạn chiếm trên 66%. Nợ xấu của các công ty nông, lâm nghiệp đến 31.3.2016 khoảng 38,33 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn do liên quan đến giải quyết đất đai, lao động và tài sản trên đất, nhất là đối với diện tích khoán đất, khoán rừng và vườn cây ổn định, khi xây dựng đề án cần phải thống nhất với địa phương, nên cần có thời gian để thực hiện và đảm bảo chất lượng của đề án và phương án.