Mới đây nhất, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đã gửi đơn đến Bộ GTVT với mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược nắm cổ phần chi phối tối thiểu 65% số cổ phần tại Bệnh viện GTVT Đà Nẵng và Bệnh viện GTVT TP.HCM. Nếu thành công với thương vụ này, Hoàn Mỹ sẽ nâng tổng số bệnh viện thuộc sở hữu của hệ thống lên tới con số 10.
Người “ngoại đạo” cũng mê… bệnh viện công
Việc Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ “nhắm” vào các bệnh viện công trực thuộc ngành GTVT không phải là lạ gì trong giới đầu tư. Bởi trước đó đơn vị này đã có nhiều thương vụ M&A “đình đám” nhắm vào các bệnh viện lớn tại khu vực miền Đông Nam Bộ và miền Trung. Cụ thể, sau khi hoàn tất M&A với Tập đoàn Fortis (Ấn Độ), sau đó là Clermont Group (trước đây là Chandler Corporation), năm 2015, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cũng đã thực hiện thành công thương vụ M&A với Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai và đến tháng 3.2016, Bệnh viện Quốc tế Vinh (Nghệ An) cũng trở thành thành viên của hệ thống này. Như vậy, thời điểm này, Hoàn Mỹ đã sở hữu 7 bệnh viện và 1 phòng khám với quy mô tổng cộng 1.943 giường bệnh, đáp ứng dịch vụ khám, chữa bệnh cho hơn 1.5 triệu lượt bệnh nhân/năm.
Hiện Bệnh viện GTVT TP.HCM, Bộ GTVT chưa có kế hoạch cụ thể để cổ phần hóa. Riêng với Bệnh viện GTVT Vinh và Bệnh viện GTVT Đà Nẵng thì Bộ GTVT đã có kế hoạch cổ phần hóa vào đầu năm 2017. Tuy nhiên, cả hai bệnh viện này đều đang trong “tầm ngắm” của nhiều “đại gia”, trong đó phải kể đến Tập đoàn T&T (Hà Nội) - đây sẽ là “đối thủ” lớn của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ khi muốn cạnh tranh bởi trước đó T&T đã rất thành công với thương vụ M&A Bệnh viện GTVT Trung ương (T&T nắm 51,43% cổ phần).
Bệnh viện GTVT TP.HCM đang trong tầm ngắm của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ
“Chúng tôi muốn trở thành cổ đông chiến lược tại hai bệnh viện này nhằm hình thành một hệ thống bệnh viện các tuyến hoàn chỉnh, trong đó Bệnh viện GTVT Trung ương là hạt nhân”, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), Tổng giám đốc Tập đoàn T&T bày tỏ mong muốn tham gia cổ phấn hóa với Bộ GTVT.
Ngoài các bệnh viện trên, BV Nam Thăng Long (Hà Nội) cũng vào “tầm ngắm” của nhiều nhà đầu tư kể cả trong ngành y tế lẫn từ phía các nhà đầu tư “ngoại đạo”. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, có hàng chục “đại gia” gửi đơn xin trở thành cổ đông chiến lược, trong đó có những đơn vị khá “lạ” như: Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn Lạc Việt, Công ty cổ phần Dầu khí Bắc Nam, Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn; Công ty cổ phần Máy lọc thận Việt Nam - Công ty cổ phần Trung tâm Bác sỹ gia đình Hà Nội…
Lợi đủ đường?
Theo các chuyên gia về y tế thì tiềm năng của kinh doanh bệnh viện hiện đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là hệ thống các bệnh viện công lập khi đã có sẵn một lượng… bệnh nhân cơ hữu. BS. Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tế tư nhân TP.HCM, cho biết, tổng chi tiêu y tế của hơn 90 triệu dân Việt Nam hiện chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất ASEAN, thêm vào đó là lộ trình xã hội hóa y tế mà Chính phủ đang tiến hành rất thông thoáng nên sẽ là thị trường đầy tiềm năng với nhà đầu tư có tiềm lực.
Dù vậy, theo bác sĩ Tùng, hiện nhiều nhà đầu tư lại nhắm vào hệ thống các bệnh viện công lập đang có kế hoạch cổ phần hóa bởi lẽ đầu tư vào hệ thống này thì… sớm thu hồi vốn hơn là mở ra hệ thống bệnh viện tư mới.
Thực tế, theo thống kê của Bộ Y tế thì hiện tại số bệnh viện công vẫn chiếm tỉ trọng đáng kể trong nền y tế. Cụ thể, hiện có 1.090 bệnh viện công khắp cả nước thì chỉ có khoảng 175 bệnh viện tư nhân nhưng trong số này có khá nhiều bệnh viện đã dừng hoạt động hoặc đang ngoắc ngoải.
Một chuyên gia của Sở Y tế TP.HCM nhận định, việc đầu tư vào bệnh viện tư nhân đòi hỏi vốn đầu tư lớn và lợi nhuận khá thấp trong những năm đầu tiên. Đặc biệt, khi chi phí khám chữa bệnh tại đây cao hơn khá nhiều so với bệnh viện công do phải chi trả lương cao cho bác sĩ giỏi, chi phí đất đai thuê mặt bằng, khấu hao tài sản… nên khó thu hút bệnh nhân. Đó là chưa kể các bệnh viện tư cần tốn thêm nhiều chi phí marketing, quảng bá để giới thiệu rộng rãi đến khách hàng mới thu hút được bệnh nhân đến khám.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng nữa là người dân không muốn “đặt cược” sức khỏe của mình vào các bệnh viện mới, ít tên tuổi.
Việc đầu tư vào bệnh viện công theo các chuyên gia kinh tế là “lợi đủ đường”. Một chuyên gia nhận định, việc đầu tư vào bệnh viện công sẽ có nhiều ưu đãi về vốn, đất đai, chưa kể đã có sẵn một lượng bệnh nhân cố định hàng năm. Chẳng hạn với dự án Bệnh viện GTVT Trung ương, khi Tập đoàn T&T đầu tư vào thì đã có lợi thế dự án tòa nhà điều trị 7 tầng hiện đại trị giá 15 triệu USD từ nguồn vốn ODA, chưa kể bệnh viện này còn có quyền sử dụng diện tích đất lên đến 21.000m2 tại Q.Đống Đa, Hà Nội. |