Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam (Ảnh: Reuters)
Quan hệ Mỹ - Trung sẽ bước vào một giai đoạn chênh vênh và đầy nghi ngờ sau phán quyết Biển Đông của tòa án quốc tế, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 14.7.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa 2 quốc gia hùng mạnh nhất thế giới sẽ bước vào một cuộc chiến tranh trong tương lai, các nhà phân tích ngoại giao nói.
Tuy nhiên, họ cảnh báo cả hai bên sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực. Sau phán quyết của tòa án quốc tế, nguy cơ xung đột quân sự do tính toán sai lầm hoặc quản lý yếu kém sẽ tăng lên.
Ngày 12.7, tòa án quốc tế đã phán quyết nghiêng về phía Philippines, đồng minh của Mỹ trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Tòa án bác bỏ tuyên bố "đường 9 đoạn" ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
Phiên tòa quốc tế về tranh chấp Biển Đông tại Hà Lan
"Phán quyết sẽ có tác động lớn lâu dài về quan hệ Mỹ - Trung. Sự nghi ngờ lẫn nhau sẽ ngày càng sâu sắc thêm và tiếp tục phát triển", ông Zhu Zhiqun, giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học Bucknell ở Pennsylvania, Mỹ cho biết.
Bên cạnh đó, Zhu cho rằng quyết định triển khai lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc của Mỹ, một động thái mà Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ, cũng đã làm tăng sự nghi ngờ và mất lòng tin giữa Washington và Bắc Kinh.
Miles Yu, một giáo sư về quân sự Đông Á và lịch sử hải quân tại Học viện Hải quân Mỹ, nói rằng 2 nước sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực. "Tuy nhiên, không chắc Mỹ và Trung Quốc sẽ bước vào một cuộc chiến tranh toàn diện, trong đó Trung Quốc biết rằng nước này không thể chiến thắng", Yu nói.
Câu hỏi đầu tiên là Trung Quốc sẽ có những hành động gì để phản ứng với phán quyết của tòa án. Có thể nước này sẽ tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông. Điều này đòi hỏi các chuyến bay nước ngoài phải khai báo với Trung Quốc trước khi vào không phận. Trung Quốc công bố một khu vực tương tự ở biển Hoa Đông vào năm 2013.
Bắc Kinh cũng có thể tăng cường cải tạo, mở rộng trái phép các rạn san hô và các đảo nhỏ trong Biển Đông.
Tàu của lực lực hải quân Trung Quốc trên Biển Đông (Ảnh: Reuters)
Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi Mỹ sẽ làm gì sau khi phán quyết đưa ra nghiêng về phía Philippines.
Tổng thống Obama nói rằng ông sẽ kêu gọi Trung Quốc suy nghĩ lại nếu Bắc Kinh chọn hướng đi ngược lại luật pháp và chuẩn mực quốc tế.
Washington thường xuyên đưa các tàu chiến, bao gồm tàu sân bay, tuần tra đến Biển Đông trong những tháng gần đây. Mỹ cũng có nghĩa vụ bảo vệ Philippines như một phần của một hiệp ước phòng thủ chung giữa Manila và Washington.
Tàu sân bay Mỹ tập trận chung với Philippines trên Biển Đông hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters)
Các nhà phân tích cho biết phán quyết có thể giúp Mỹ vững tâm hơn để tiếp tục hoặc thậm chí đẩy mạnh việc tuần tra hải quân trong khu vực.
"Khả năng Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của mình ở Biển Đông trong một thời gian tới để ổn định tình hình theo quan điểm của họ", ông Zhu tại Đại học Bucknell nói. Washington cũng khuyến khích các bên tranh chấp, đặc biệt là Trung Quốc và Philippines, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, ông nói.
Về dài hạn, Mỹ và Trung Quốc sẽ phải đưa ra một thỏa thuận để "2 hổ có thể chung một rừng", ông Zhu nói thêm.