Sáng nay mở báo, lại tiếp tục là những dòng tin về vụ chôn cất rác thải không đúng quy trình của Formosa, lại là những giải thích của giám đốc công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh và các bên liên quan.
Sáng nào cũng thế, tôi phải lách qua những thông tin ít tốt đẹp để nghĩ về những điều tích cực, nó giống như một liệu pháp tinh thần để giữ lại năng lượng tốt, mà sống và làm việc.
Rồi tôi lại đọc được một bài báo khác về câu chuyện bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung ở bệnh viện đa khoa huyện Vị Xuyên (Hà Giang), người đã mặc áo blouse trắng ra chợ quyên tiền giúp bệnh nhân nghèo.
Một tin không vui và một tin tốt đẹp.
Cả hai tin đều làm lòng xáo trộn cả.
Tôi chưa đến Vị Xuyên bao giờ, dù lang thang nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Vị Xuyên đối với tôi chỉ là những câu chuyện về cuộc chiến chống bành trướng phía Bắc được đọc hay nghe kể ở đây đó. Nhưng chưa đến, tôi nghĩ tôi vẫn có thể hình dung ra được.
Hình dung ra sự khó khăn hay nghèo khổ đến không có tiền chữa bệnh ở Việt Nam không khó, hình dung ra những bất cập lại càng không khó. Hình dung về lòng tốt, nhất là cách mà bác sĩ Chung đã làm cho bệnh nhân của mình là một bất ngờ.
Sao lại thế ?
Không thể phủ nhận những câu chuyện đen tối hàng ngày ta chạm mắt trên mặt báo khiến sự nhạy cảm của chúng ta với điều xấu trở nên nhạy thêm hơn, ta bắt tín hiệu nhanh hơn. Điều tốt, ngay cả khi không hiếm cũng dễ bị lướt qua. Tôi đọc bài báo, và nhìn thật kỹ gương mặt đôn hậu của bác sĩ trong ảnh. Một bất ngờ khiến lòng rưng rưng.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung mặc áo blouse ra chợ quyên tiền cho bệnh nhi.
Chuyện này khiến tôi nhớ đến một buổi chiều, tôi lôi xe đạp ra chở con đi dạo phố. Lâu lắm rồi không đạp xe, lại chở con nhỏ, chắc nhiều người trên đường đã bực mình vì kiểu đi luống cuống của hai mẹ con. Đến ngã tư Trần Phú Hoàng Diệu thì gặp một xe thương binh, tôi nửa muốn rẽ nhưng lại sợ nên đứng khựng giữa đường, không xa mũi xe. Chiếc xe thương binh chở nhiều đồ gỗ nặng chòng chành, ngoằn tay đánh lái …
Ngỡ tưởng mình sẽ bị chửi mắng nhưng hóa ra không phải, người lái xe đỗ hẳn lại và bảo: “Chị đi đi”. Khi qua trước mũi xe, tôi ngoái lại cảm ơn thì nhận được nụ cười thông cảm.
Trong cuộc sống luôn có những khoảnh khắc bất ngờ khiến ta thấy ấm lòng, nhưng đừng nghĩ những khoảnh khắc ấy tự nhiên mà có, nó đến bởi một khoảnh khắc khác – khoảnh khắc chọn làm điều tử tế của một ai đó.
Tôi luôn nghĩ, trong đời sống có một điều quan trọng là khoảnh khắc ta chọn mình bước về phía nào, phía những người muốn được sống đôn hậu ngay thẳng hay ngược lại. Khoảnh khắc này, nó đến thường xuyên trong cuộc sống mỗi người, ngày nào cũng diễn ra, dưới đủ mọi hình thái. Ta vội, ta muốn vượt đèn đỏ, đi hay không đi ? Ta muốn giúp một người, muốn chia sẻ khó khăn của họ, ta tiếc thời gian của mình hay sẵn lòng gác lại thú vui để làm điều gì đó? Ta muốn đứng ra quyên góp, ta dám làm và chịu trách nhiệm về việc mình làm hay e ngại dèm pha và sợ bị đeo đẳng. Ta từ chối tham gia vào những công trình tượng đài vì ta biết nó không mang lại lợi ích cho dân tộc hay ta làm vì biết đó là gói thầu lớn nuôi ta được cả năm? Ta lên tiếng vì lẽ phải, dấn thân vì sự tiến bộ của xã hội hay ta trốn trong cuộc sống riêng tư của mình.
Có muôn ngàn những giây phút như thế đến trong cuộc sống chúng ta mỗi ngày, luôn luôn có những nỗi ngại ngần phải vượt qua, đôi khi có cả nỗi lo lắng lẫn sợ hãi mơ hồ cần tự trấn an.
Sự tử tế, hay chính trực không tự nhiên có, khi ta nghĩ nó đơn giản và như lẽ tự nhiên là ta đã nhầm. Cuộc sống với muốn ngàn thử thách của những lợi ích tinh thần và vật chất luôn đặt ta đứng trước những giây phút chọn lựa vô thức và có ý thức, nhưng chọn bước về phía nào? Cuối cùng vẫn là do chúng ta cả.
Tôi không tin bác sĩ Chung mặc áo blouse đi ra chợ trong sự hồn nhiên của lòng tốt “nhân chi sơ tính bản thiện”. Tôi cũng không nghĩ những người đã và đang tiếp tay cho những sai phạm của Formosa ở miền Trung là ngây thơ. Đều có sự chọn lựa, đều có những đắn đo, và khoảnh khắc chọn bước về phía nào họ đều phải trải qua. Và họ đã chọn.
Chúng ta hay than thở về những bất cập của xã hội như một kẻ vô can, như tất cả những điều xấu xa bất công đều từ trên trời rơi xuống và chúng ta là người bị hại. Chúng ta ngưỡng mộ những người tốt và coi sự thiện tâm của họ như một căn tính. Điều này thật ra đôi lúc là một cách để “trốn tội“ và hòa hoãn với chính mình.
Tôi nghĩ, chúng ta ít nhiều đều có liên đới. Mọi ngã tư của Việt Nam sẽ bớt tắc hơn khi đừng ai cố chen lên vỉa hè, cố đi ngược làn đường. Học trò Việt Nam sẽ biết kính trên nhường dưới hơn khi không có những thày cô giáo ăn gian giờ giảng để được xét phong danh hiệu. Những người lao động sẽ không dễ dàng bị lưu manh hóa khi ngẩng mặt nhìn lên là chạm phải những tiến sĩ giấy, khi biết tầng lớp được coi là trí thức cũng không ngần ngại hành xử không chính trực…
Chuỗi domino của lòng tốt hay sự xấu xa đều được quyết định từ những khoảnh khắc nhỏ của sự chọn lựa. Sẽ không có 40 triệu đồng được quyên góp từ những người hảo tâm cho hai bé sơ sinh dính bụng nếu bác sĩ Chung và các đồng nghiệp đã chọn sự vô cảm. Cũng như vậy, nếu như hôm nay, chúng ta có thể nói dõng dạc rằng người Việt Nam yêu biển là bởi có lúc chúng ta đã dám lên tiếng để chọn cá.
Những khoảnh khắc chọn lựa ấy nó hiện diện mỗi ngày và ta bắt buộc phải chọn mỗi ngày. Chọn là ai, chúng ta sẽ được đứng như thế trong cuộc sống.