Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đứng canh gác gần quảng trường Taksim ở Istanbul.
Trong bối cảnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ thực hiện cuộc đảo chính và giao tranh đã xảy ra tại thành phố Istanbul và thủ đô Ankara vào đêm 15.7, Mỹ vẫn giữ lập trường tiếp tục ủng hộ chính phủ của Tổng thống Tayyip Erdogan.
"Mỹ quan ngại sâu sắc về tình hình bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ", Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết. Ông cũng nhấn mạnh Washington "ủng hộ tuyệt đối" chính phủ hiện tại trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.
Các nhà phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đối mặt với một thời kỳ bất ổn về chính trị và kinh tế cho dù cuộc đảo chính kết thúc theo bất cứ hướng nào. Điều này có thể làm quân đội và lực an ninh Thổ Nhĩ Kỳ xao lãng trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), chiến đấu với phiến quân người Kurd và ngăn chặn quân khủng bố ra vào Syria.
"Kịch bản xấu nhất với nước Mỹ là cuộc đảo chính sẽ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc chiến tranh giành quyền lực kéo dài", Blaize Misztal, giám đốc an ninh quốc gia tại Trung tâm chính sách Bipartisan, nhận định. "Ngay cả một cuộc đảo chính diễn ra chớp nhoáng gặp phải ít kháng cự cũng sẽ gây mất ổn định hay một cuộc đảo chính không thành công sẽ gây ra nhiều bất ổn hơn ở phía trước".
Thổ Nhĩ Kỹ có vai trò như cây cầu nối giữa châu Âu và Trung Đông và là thành viên có quân đội lớn thứ hai của NATO sau Mỹ cũng như là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực. Cho dù quân đội từng đảo chính trước đây ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng quốc gia 75 triệu dân này vẫn là nền dân chủ lâu đời nhất tại khu vực và tạo ra sự ổn định tại khu vực đông nam châu Âu và Trung Đông.
"Đây có thể là một trong những thách thức khó khăn nhất đối với chính quyền của Tồng thống Mỹ Obama. Một Thổ Nhĩ Kỳ ổn định rất quan trọng đối với lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, Balkan và Caucasus", Bruce Riedel, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Brookings, cho biết. "Nền dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ cho dù bị rạn nứt, vẫn có vai trò quan trong với hy vọng cải cách chính trị ở Trung Đông".
Thổ Nhĩ Kỳ cũng được lựa chọn làm địa điểm đặt nhiều cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ và NATO, bao gồm căn cứ không quân Incirlik, một căn cứ của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và trạm radar cảnh báo sớm cho hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của NATO. Các chiến đấu cơ và máy bay không người lái của Mỹ phần lớn đều xuất kích từ Thổ Nhĩ Kỳ để tiêu diệt phiến quân IS ở Syria.
"Điều quan trọng là chính quyền của Tồng thống Obama sẽ luôn ủng hộ một chính phủ được bầu dân chủ trong trường hợp này", Matthew Bryzam cựu đại sứ Mỹ tại Azerbaijan cựu cố vấn cao cấp của Nhà Trắng về Thổ Nhĩ Kỳ, nói.
Trong khi đó, ông Gonul Tol, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện nghiên cứu Trung Đông, cho rằng lợi ích của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng cho dù cuộc đảo chính kết thúc theo bất cứ hướng nào. "Nếu cuộc đảo chính thất bại, quyền lực trong tay ông Erdogan sẽ tăng lên và chúng ta sẽ ông ta độc đoán hơn", ông Tol nhận định. "Và nếu cuộc đảo chính thành công, tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở nên bất ổn hơn nữa".