Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng Nghị định về thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – đơn vị được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định đang lấy ý kiến về bản Dự thảo Nghị định quan trọng này.
Theo đó, dự thảo Nghị định là khung pháp lý để thành lập một cơ quan chuyên trách có tên gọi Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định đang được xây dựng dự tính đưa khoảng 30 “ông lớn” nhà nước nằm dưới sự quản lý của “siêu ủy ban”. Theo đó, toàn bộ 9 tập đoàn nhà nước và 21 tổng công ty nhà nước sẽ được điều chuyển về cho “siêu ủy ban” này quản lý.
Cụ thể, những cái tên đáng chú ý dự kiến được đưa vào là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Bưu chính -Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Rượu- Bia - Nước giải khát Sài Gòn…
Tổng công ty Rượu- Bia - Nước giải khát Sài Gòn là một trong những cái tên dự kiến được đưa về siêu ủy ban
Đáng chú ý, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC – Bộ Tài chính) cũng dự kiến được điều chuyển về trực thuộc Ủy ban và sẽ là đơn vị chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đầu tư tài chính. Qua đó, trực tiếp thực hiện các quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao quản lý.
Một điểm đáng lưu ý khác, đó là theo dự thảo Nghị định, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vẫn do các bộ này quản lý. Ngân hàng Nhà nước cũng có thể tiếp tục được giao trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước….
“Siêu ủy ban” này được thiết kế là cơ quan thuộc Chính phủ, do Chính phủ thành lập. Lãnh đạo Ủy ban gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Một trong những vai trò của “siêu ủy ban” này là giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước…
Chức năng quan trọng của siêu ủy ban này là đầu tư và quản lý toàn bộ danh mục tài sản, vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiệp nhằm hợp lý hóa danh mục đầu tư, tối đa hóa giá trị tài sản, vốn đầu tư nhà nước tại các doanh nghiệp…
Theo báo cáo của Bộ Tài chính năm 2015, tính riêng 781 doanh nghiệp nhà nước đã có tổng giá trị tài sản là hơn 3,1 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước là trên 1,2 triệu tỷ đồng.