Dân Việt

Người Việt có thể mua quốc tịch trở thành dân châu Âu

Trà My - Tổng hợp 18/07/2016 18:55 GMT+7
Để có hộ chiếu châu Âu với vô vàn lợi ích, người Việt giàu có thể mua quốc tịch Malta, quốc gia bán quốc tịch một cách hợp pháp cho tất cả các cư dân ngoài EU.

img

Bà Nguyệt Hường bị bác tư cách đại biểu quốc hội ngày 17.7 vì đã nhập quốc tịch Malta

Ngày 17.7, bà Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã bị bác tư cách đại biểu quốc hội (ĐBQH) khoá XIV. Lý do là bà đã vi phạm Luật Quốc tịch Việt Nam. Cụ thể, luật quy định công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trong khi bà Nguyệt Hường đã nhập quốc tịch Cộng hòa Malta.

Sau khi cơ quan chức năng phát hiện sự việc, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã xác nhận điều này và có đơn xin rút việc tham gia QH khoá XIV.

Sự việc khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về quốc gia mang tên Cộng hòa Malta và việc nhập quốc tịch nước này. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu.

Bán quốc tịch để tăng trưởng kinh tế

Cộng Hòa Malta là một đảo quốc nhỏ gồm 7 hòn đảo giữa Địa Trung Hải, nằm ở phía nam của nước Ý, một "thiên đường" nghỉ dưỡng của châu Âu. Malta có một môi trường tài chính và kinh doanh thuận lợi, thu hút rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế.

img

Hình ảnh yên bình lại quốc đảo Malta

Từ năm 2014, Malta bắt đầu bán quốc tịch với giá 650.000 euro (gần 16 tỉ đồng) cho cư dân ngoài EU, theo Telegraph. Kế hoạch “bán quốc tịch” của nước này được gọi là Chương trình Nhà đầu tư Cá nhân (IIP) nhằm thu hút những người giàu đến với đảo quốc. Ban đầu, họ nhắm tới những cư dân chủ yếu đến từ Nga, Trung Quốc. Thời điểm đó, Malta hi vọng sẽ thu hút khoảng 300 người mỗi năm và điều này sẽ thu về khoảng 30 triệu euro cho chính phủ.

Lý do đảo quốc quyết định “mở cửa” với những người nước ngoài chủ yếu là về tài chính. Với một nền dân số nhỏ, 30 triệu euro sẽ là một thúc đẩy lớn cho ngân sách của quốc gia. Chính phủ nước này cũng hy vọng sẽ nâng cao hình ảnh quốc tế của hòn đảo nhỏ bé bằng cách thu hút người nổi tiếng hay các ngôi sao thể thao.

Trên website chính thức của chương trình IIP ghi rõ đối tượng họ nhắm tới là “các giám đốc điều hành kinh doanh quốc tế, nhà đầu tư, những người rất quan trọng (VIP), cũng như những công dân giàu có trên toàn thế giới”.

img

Malta bán quốc tịch từ năm 2014 để thu về lợi nhuận cho ngân sách nhà nước

Quy trình nhập tịch đơn giản, miễn có đủ tiền

Khi mới ra mắt, Malta không có quy định cụ thể về việc ứng viên phải cư trú ở Malta mới được nhập tịch. Tuy nhiên, dưới sức ép của Liên minh châu Âu (EU), nước này đã phải đưa thêm một quy định vào chương trình IIP, đó là các ứng viên tiềm năng phải cư trú ở đây ít nhất 12 tháng, theo BBC.

Đồng thời, đương đơn (cá nhân muốn nhập tịch) sẽ phải đảm bảo những yêu cầu về sức khỏe và pháp lý được đặt ra. Họ cũng phải cam kết mua bất động sản, đầu tư trái phiếu và đóng góp tài chính cho đất nước này.

Cụ thể như sau, đương đơn phải trên 18 tuổi và phải có hồ sơ tư pháp trong sạch. Chính phủ Malta tiến hành kiểm tra lý lịch tư pháp rộng rãi với INTERPOL, Tòa án Hình sự Quốc tế và với các cơ quan và các nguồn khác nhau. Bên cạnh đó, họ cũng phải chứng minh rằng mình không bị bất cứ bệnh truyền nhiễm nào. Đương đơn có thể thêm người phụ thuộc vào trong hồ sơ nộp cho chương trình (vợ chồng, con cái, cha mẹ, ông bà) tuy nhiên với mỗi người phụ thuộc đều phải đóng thêm một khoản tiền nhất định.

img

Tạm tính, một gia đình người Việt 4 người sẽ phải đóng khoảng 18,4 tỉ đồng để nhập tịch Malta, chưa tính các khoản đầu tư, nhà đất

Đương đơn phải đóng 650.000 euro cho Quỹ Phát Triển Xã hội Quốc Gia. Với vợ chồng, con cái chưa tuổi thành niên, đóng thêm 25.000 euro mỗi người. Với cha mẹ hơn 55 tuổi hoặc con cái từ 18-26 tuổi, đóng thêm 50.000 euro mỗi người. Như vậy, tạm tính nếu một gia đình gồm 2 vợ chồng, 1 con chưa thành niên và 1 ông/bà, số tiền họ phải nộp ban đầu sẽ là 750.000 euro (tương đương hơn 18,4 tỉ đồng) để tham gia chương trình nhập tịch IIP.

Bên cạnh đó, đương đơn cũng phải mua bất động sản có giá trị nhiều hơn 350.000 euro (8,6 tỉ đồng) ở Malta, hoặc thuê nhà với giá ít nhất 16.000 euro/năm trong ít nhất là 5 năm. Bất động sản có thể được thanh lý sau 5 năm.

Ứng viên cũng phải đầu tư ít nhất 150.000 euro (3,7 tỉ đồng) vào các công cụ tài chính được chính phủ phê duyệt (trái phiếu, cổ phiếu và các khoản nợ nhằm mang lại lợi ích cho đất nước) và phải cam kết duy trì đầu tư ít nhất là 5 năm.

Sau khi đã hoàn thành mọi thủ tục trên, đương đơn không cần thiết phải dành thêm thời gian ở châu Âu để được nhập tịch.

Như vậy, có thể thấy để được nhập tịch Malta, ứng viên giàu có phải bỏ ra tới hàng triệu euro.

img

Người nhập tịch phải mua bất động sản, đầu tư trái phiếu và đóng góp tài chính cho Malta

Lợi ích của một công dân Malta

Bỏ ra hàng chục tỉ đồng, lợi ích nhận được khi nhập quốc tịch Malti chắc hẳn phải “đáng đồng tiền bát gạo”.

Theo website chính thức của chương trình IIP, khi một ứng viên được cấp quốc tịch Malta, họ sẽ trở thành công dân Châu Âu, được hưởng quyền tự do đi lại tới tất cả 28 quốc gia Châu Âu (tính cả Anh) và Thụy Sĩ. Đồng thời, họ được phép thành lập doanh nghiệp ở Malta và được cấp hộ chiếu Malta, hộ chiếu miễn thị thực khi đến hơn 160 quốc gia trên toàn thế giới trong đó có Mỹ.

Về con cái, bất cứ trẻ em nào được cha mẹ là công dân Malta sinh ra cũng sẽ là một công dân của Malta. Điều này có nghĩa rằng các em sẽ là những công dân chính thức của Châu Âu, ngay cả khi nơi sinh không phải ở Châu Âu.

Ngôn ngữ cũng không phải rào cản trong chương trình IIP. Không có các bài kiểm tra ngôn ngữ trong chương trình đầu tư của Malta và đương đơn không bắt buộc phải biết tiếng Malta hoặc thậm chí cả tiếng Anh để được chấp nhận vào chương trình. 

img

Công dân Malta được hưởng quyền tự do đi lại tới tất cả 28 quốc gia Châu Âu (tính cả Anh) và Thụy Sĩ

Các Hiệp ước tự do di lại của EU cho phép các công dân Malta sống, làm việc và học tập tại bất kỳ quốc gia nào thuộc Liên minh Châu Âu cũng như Thụy Sĩ. Ngoài ra, Malta đã chính thức trở thành thành viên của Khối Schengen của Châu Âu kể từ năm 2007. Điều này cho phép công dân Malta đi đến 26 quốc gia ở Châu Âu mà không bị bất kỳ kiểm soát biên giới nào.

Vài nét về Malta

Với dân số khoảng hơn 420.000 người (tính đến tháng 7 năm 2016), ngôn ngữ chính thức của Malta là tiếng Malta và tiếng Anh. Malta trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu kể từ năm 2004 và có một nền chính trị ổn định, hệ thống chính trị lưỡng đảng, nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Hệ thống ngân hàng ở đảo quốc này được bình chọn nằm trong top 5 ổn định nhất thế giới.

img

Đảo quốc Malta có một lối sống đa văn hóa giàu có, khí hậu ôn đới và lịch sử hấp dẫn

Đảo quốc Malta có một lối sống đa văn hóa giàu có, khí hậu ôn đới và lịch sử hấp dẫn. Malta cũng là một trung tâm tài chính và kinh doanh thuận lợi nhờ có một hệ thống thuế cạnh tranh, mang lại lợi thế đáng kể cho các doanh nghiệp nước ngoài, các cá nhân với số tài sản sản ròng lớn, và các nhà đầu tư tìm kiếm một môi trường kinh doanh hấp dẫn nhưng an toàn.

Trong hai thập kỷ qua, Malta đã có sự tăng trưởng vững chắc và liên tục trong ngành công nghiệp dịch vụ tài chính và nhanh chóng trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều nhóm doanh nghiệp quốc tế kinh doanh tại thị trường EU, Trung Đông và Bắc Phi.

Bên cạnh đó, Malta còn là thiên đường du lịch với rất nhiều bãi biển đẹp, thời tiết nhiều nắng và lịch sử văn hóa hơn 7.000 năm. Theo Wikipedia, du lịch là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nước này, đóng góp khoảng 15% tổng sản phẩm quốc nội.