Dân Việt

Bị “ngâm” hồ sơ, doanh nghiệp thủy sản “kêu trời”

Thuận Hải 18/07/2016 17:34 GMT+7
Thời hạn sử dụng nhiều sản phẩm chỉ có 6 tháng nhưng doanh nghiệp phải chờ đến 3 tháng mới có được giấy chứng nhận công bố hợp quy, an toàn thực phẩm. Cũng có những lô hàng xuất khẩu qua tới nước bạn rồi, hồ sơ xin cấp chứng nhận “ở nhà” vẫn chưa được xử lý…

Đó là những ý kiến “than trời” của doanh nghiệp tại Hội thảo “Những vướng mắc liên quan đến ghi nhãn, công bố hợp chuẩn, hợp quy và an toàn thực phẩm” do Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Bộ Tư Pháp) tổ chức sáng 18.7.

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, để hoàn thành thủ tục công bố hợp chuẩn và phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho các sản phẩm thủy sản, doanh nghiệp hiện phải mất rất nhiều thời gian. Từ đó, dẫn tới việc phát sinh các chí lưu kho, kho bãi, mất cơ hội kinh doanh do doanh nghiệp không nhận kịp hàng nên không giao hàng nhanh theo yêu cầu khách hàng.

Bà Lê Thị Trang, Phó Giám đốc thu mua Công ty CP GM Food, cho biết, đối với hồ sơ suôn sẻ, thời gian cấp chứng nhận công bố hợp quy thường kéo dài 1 tháng. Còn nếu hồ sơ có thiếu sót, không suôn sẻ mà cần chỉnh sửa, bổ sung thì phải mất đến 3 tháng. Chưa kể, khi làm hồ sơ, thủ tục, doanh nghiệp phải tự mày mò nên bị cơ quan chức năng chỉnh sửa nhiều khiến thời gian kéo dài.

“Có khi hàng xuất khẩu đến cảng nước bạn rồi, khách hàng sẵn sàng để nhận hàng rồi nhưng hồ sơ thủ tục công bố hợp quy vẫn chưa được giải quyết xong”, đại diện một doanh nghiệp bức xúc.

img

Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL.

Các thủ tục để được công bố hợp quy cũng là vấn đề nan giải của Công ty Agrex Sài Gòn. Đại diện doanh nghiệp này cho ví dụ, trong sản xuất tôm tẩm bột, sản phẩm bột chỉ có giá trị sử dụng từ 3-6 tháng. Thế nhưng, khi doanh nghiệp có được kết quả công bố hợp quy thì hàng đã giảm chất lượng hoặc hết giá trị sử dụng. Điều này làm ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp vì không đảm bảo thời gian xuất hàng theo yêu cầu đối tác.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp cho rằng, các mặt hàng phụ gia, gia vị nhập khẩu vào Việt Nam, phục vụ chế biến thủy sản xuất khẩu đã được nhà sản xuất đảm bảo về chất lượng, sản phẩm sau chế biến cũng không tiêu thụ trong nước thì đâu cần phải công bố phù hợp an toàn thực phẩm tại Việt Nam?

Vì vậy, đối với các mặt hàng tạm nhập tái xuất, đại diện Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, nếu không cần thiết thì nên bỏ hẳn quy định về thủ tục công bố hợp quy, phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, đối với các hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm bán ra thị trường nội địa, doanh nghiệp cũng phải mất ít nhất 1 tháng chờ đợi. Do đó, bà Trần Hoàng Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Vasep Pro (VASEP), kiến nghị, cơ quan chức năng phải đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ, rút ngắn thời gian cấp giấy xác nhận công bố trong vòng 3 ngày làm việc.