Nhiều kết quả nghiên cứu có ứng dụng cao
PGS-TS Lê Mạnh Hùng - Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam (Bộ NNPTNT), Chủ nhiệm chương trình báo cáo cho biết, nhiệm vụ của chương trình nghiên cứu được triển khai với mục tiêu chính là áp dụng, phát triển và hoàn thiện được các công nghệ dự báo tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm và quản lý rủi ro một số dạng thiên tai nguy hiểm như bão, lũ lụt miền Trung; phát triển và hoàn thiện được các công nghệ mới trong xây dựng các giải pháp, công trình phòng chống thiên tai. Qua các nghiên cứu có hiệu quả và tạo ra được công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam để có hướng xử lý ô nhiễm môi trường kết hợp xử lý nguồn thải…
Chương trình KC.08/11-15 đã nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo hạn hán cho Việt Nam với thời hạn đến 3 tháng (ảnh minh họa). ảnh: D.V
Chương trình được phê duyệt triển khai 36 nhiệm vụ nghiên cứu đã tập hợp được một lực lượng lớn các nhà khoa học đầu ngành cũng như đội ngũ đông đảo các nhà khoa học trẻ về các lĩnh vực khác nhau của chương trình. Theo thống kê, tham gia thực hiện các đề tài thuộc chương trình có khoảng 300 nhà nghiên cứu khoa học có học vị TS, TSKH, thạc sĩ. Với đội ngũ các nhà khoa học hùng hậu đã đào tạo được 44 nghiên cứu sinh, 25 TS, 121 thạc sĩ sau 5 năm triển khai Chương trình.
Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc đánh giá Chương trình KC.08/11-15 đã trải qua 4 giai đoạn tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu đất nước trong lĩnh vực này tạo ra các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây chính là những cơ sở quan trọng để chương trình tiếp tục được triển khai nghiên cứu trong giai đoạn tới. |
Đáng chú ý, Chương trình đã có 205 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước; 37 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài và nhiều bài báo được báo cáo tại các hội nghị trong nước và quốc tế
Báo cáo cũng cho biết, sau 5 năm đã có 7 chế phẩm, chủng được tạo ra từ thiết bị công nghệ, từ nghiên cứu của các đề tài thuộc Chương trình. PGS-TS Lê Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện xây dựng được các công nghệ để giải quyết nhiều nhiệm vụ KHCN phức tạp, theo yêu cầu phát triển xã hội theo hướng hiện đại hóa.
Có thể kể đến một số quả nổi bật như đề tài nghiên cứu “Xây dựng quy trình công nghệ dự báo quỹ đạo và cường độ bão trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương và Biển Đông hạn 5 ngày” (KC.08.01/11-15); “Nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo hạn hán cho Việt Nam với thời hạn đến 3 tháng” (KC.08.17/11-15); “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ mới trong gia cố biển bằng phương pháp neo đất, sử dụng phụ gia consolid và chống xói mòn lớp bảo vệ mái”; “Nghiên cứu đề xuất các tiêu chí và phân vùng khai thác bền vững, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ”...
Đóng góp mới chất lượng về lý luận, thực tiễn
Cho tới nay, chương trình đã đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu dự kiến sản phẩm. Phần lớn các đề tài thuộc Chương trình đã tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của thực tiễn, đã có những đóng góp kịp thời những vấn đề xảy ra trong quá trình thực hiện đề tài. Trình độ KHCN của các nghiên cứu tương đương với khu vực và quốc tế. Hầu hết các đề tài đã có những kết quả khoa học về mặt lý luận cũng như thực tiễn, có kết quả ứng dụng vào thực tế.
Tham gia các đề tài, năng lực của cán bộ khoa học đã được nâng lên rõ rệt. Thông qua các đề tài, nhiều cán bộ trẻ đã được đào tạo và nâng cao trình độ, không chỉ thể hiện ở số lượng tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo hay số lượng công trình được công bố mà cán bộ nghiên cứu đã làm chủ được công nghệ, kỹ thuật mới. Trong quá trình triển khai đề tài, nhiều cán bộ trẻ đã và đang được đào tạo ở trong và ngoài nước, một số trang thiết bị nghiên cứu đã được bổ sung góp phần thiết thực nâng cao năng lực nghiên cứu của các tập thể.
Chương trình đã kết nối tốt các nhóm thực hiện đề tài, dự án song song kết nối các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng kết quả nghiên cứu để tiến hành hợp tác, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, các kết quả nghiên cứu sẽ là những đóng góp mới có chất lượng về lý luận cũng như thực tiễn trong chiến lược phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên của nước ta. /.