Dân Việt

Vì sao Tunisia là cái lò sản sinh nhiều kẻ khủng bố máu lạnh?

Phương Đăng 19/07/2016 07:37 GMT+7
Thành công của cuộc cách mạng "Mùa xuân Arab" ở Tunisia năm 2011 đã trở thành bước ngoặt lịch sử thúc đẩy sự phát triển của phe thế tục ôn hòa bên cạnh phe Hồi giáo bảo thủ trong lòng nước này. Tuy nhiên, đây là con dao hai lưỡi khi một Tunisia tự do hơn cũng lại trở thành lò sản xuất và xuất khẩu hang loạt khủng bố ra nước ngoài.

Đúng vào ngày Quốc khánh 14.7, nước Pháp một lần nữa bị tắm máu bởi một vụ tấn công khủng bố bằng xe tải ở Nice, thành phố du lịch bên bờ biển xinh đẹp, khiến 84 người thiệt mạng và 202 người khác bị thương. Thủ phạm sau đó bị cảnh sát bắn chết ngay tại hiện trường và ngay sau đó được nhận dạng tên là Mohamed Lahouaiej Bouhlel, 31 tuổi, quốc tịch Pháp, sống ở Nice nhưng sinh ra ở Tunisia.

img

Chân dung kẻ tắm máu nước Pháp đêm 14.7 Mohamed Lahouaiej Bouhlel, 31 tuổi, quốc tịch Pháp, sống ở Nice, sinh ra ở Tunisia.

Gốc gác của Bouhlel đã khiến các chuyên gia chống khủng bố chú ý. Rõ ràng, Tunisia là đất nước vẫn thường được ca ngợi là "câu chuyện thành công của cuộc cách mạng Mùa xuân Arab", vì sau sự sụp đổ của chế độ độc tài, nước này đã thành công trong việc xây dựng một chính phủ dân sự mới, dựa trên nền tảng dân chủ.

Nhưng chính kẻ tắm máu nước Pháp Bouhel đã làm dấy lên câu hỏi, vì sao Tunisia -  một đất nước tự do, lại trở thành cái lò sản sinh và xuất khẩu khủng bố ra nước ngoài.

Các chuyên gia từ lâu đã phát hiện ra rằng, Tunisia là đất nước cung cấp một số lượng đáng kể tân binh cho các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan dù dân số của nước này tương đối khiêm tốn, chỉ 11 triệu người. Đông đảo các chiến binh Tunisia đã và đang chiến đấu cho tổ chức khủng bố khét tiếng bậc nhất thế giới Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria.

Theo ước tính gần đây, có tới 7.000 chiến binh Tunisia đã gia nhập IS. Số lượng chiến binh Tunisia đang chiến đấu trong hàng ngũ của tổ chức khủng bố khét tiếng trên lớn hơn bất cứ nước nào khác, bao gồm cả những quốc gia lớn hơn nhiều, dân số đông hơn nhiều như Saudi Arabia và Ai Cập.

Ngoài ra, hàng nghìn chiến binh Tunisia đang được đào tạo và thánh chiến ở Libya, nước láng giềng của Tunisia. Libya cũng đang là mục tiêu của IS và nhóm khủng bố này đang không ngừng tìm mọi cách để vươn vòi bạch tuộc, mở rộng lãnh thổ cũng như tâm ảnh hưởng sang đất nước Bắc Phi.

Đó là chưa kể, giới chức trách Tunisia thông báo, họ đã ngăn chặn được 12.000 công dân trốn khỏi đất nước để tới chiến trường Syria thánh chiến kể từ năm 2013.

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của chính quyền Tunisia, trên thực tế các chiến binh thánh chiến Tunisia không chỉ hoạt động mạnh ở nước ngoài. Trong vài năm qua, những kẻ khủng bố Tunisia đã tổ chức hàng loạt vụ tấn công ngay trong lòng đất nước của chúng. Kể từ năm 2013, những kẻ khủng bố đã ám sát hàng loạt chính trị gia thế tục, nhắm mục tiêu tấn công nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng và đụng độ thường xuyên với cảnh sát.

Những cuộc tấn công đẫm máu của khủng bố đã gần như giết chết ngành công nghiệp mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho Tunisia.

img

Hiện trường vụ thảm sát trên bãi biển ở Tunisia khiến 39 người thiệt mạng tháng 6.2015

Ngoài ra, hồi tháng 3, những chiến binh thánh chiến gốc Tunisia ở Libya đã thực hiện cuộc tấn công tổng lực vào thị trấn biên giới Ben Guerdane của Tunisia. Mặc dù kết quả cuối cùng, lực lượng an ninh Tunisia đã đẩy lùi được nhóm chiến binh thánh chiến, song cuộc tấn trên là dấu hiệu đáng lo ngại về tham vọng gây chiến và bành trướng của các lực lượng khủng bố, cực đoan.

Tất cả những điều tồi tệ đó trên thực tế trái ngược hoàn toàn với sự tiến bộ đáng kể của Tunisia trong việc thiết lập thể chế dân chủ. Đất nước này đã tổ chức thành công các vòng bầu cử tự do và công bằng. Các nhóm xã hội dân sự và truyền thông tự do cũng được tạo điều kiện phát triển ở Tunisia.

Nhưng những quyền tự do mới giành được sau cuộc "Cách mạng mùa xuân Arab" không hề giúp làm giảm đi làn sóng bạo lực đoan. Thậm chí, làn sóng bạo lực cực đoan ở Tunisia lại đang ngày càng bùng lên mạnh mẽ.

Một số chuyên gia Tunisia cho rằng, sự sụp đổ của chế độ độc tài trong cuộc Cách mạng mùa Arab năm 2011 và việc hình thành thể chế dân chủ sau đó đã tạo điều kiện cho các chiến binh thánh chiến tự do mới phát triển, chia sẻ thông tin và dễ dàng ra nước ngoài chiến đấu trong các nhóm cực đoan, khủng bố.

Các chiến binh thánh chiến giờ đây có thể dễ dàng xem công khai các chương trình phát sóng vệ tinh được truyền hình trực tiếp của các giáo sĩ cực đoan vùng Vịnh.

Các quan chức Tunisia thừa nhận, bộ máy an ninh của nước này vẫn chưa thể phục hồi sau cách mạng Mùa xuân Arab. Thậm chí, những cải cách sau cách mạng cũng không giúp củng cố bộ máy an ninh mạnh hơn.

Một nguyên nhân khác dẫn đến sự gia tăng của các chiến binh thánh chiến ở Tunisia đó là tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở nước này còn cao, ở mức 15%, ước tính, gấp đôi trong lực lượng lao động trẻ. Do đó, thanh niên Tunisia, đặc biệt là tầng lớp lao động nghèo cảm thấy họ ít có cơ hội cải thiện cuộc sống của mình và dễ dàng bị các tổ chức cực đoan, khủng bố dụ dỗ.

Ngoài ra, tiến trình dân chủ ở một đất nước Hồi giáo như Tunisia luôn luôn dấy lên phản ứng dữ dội khi những người theo phe Hồi giáo bảo thủ cảm thấy bị mất mát quyền lợi ngay trong chính đất nước của họ. Sự bất mãn đó dẫn đến việc nhiều gốc cực đoan Hồi giáo Tunisia sẵn sàng gia nhập các nhóm khủng bố, thánh chiến như al-Qaeda, IS...

Tóm lại, nghịch lý Tunisia - nơi mà tự do và dân chủ đang phát triển song song với sự gia tăng của làn sóng bạo lực cực đoan dẫn đến sự sản sinh của hàng loạt chiến binh khủng bố khét tiếng - là hồi chuông cảnh báo rằng, xu hướng hiện đại hóa đã thúc đẩy phản ứng dữ dội trong lòng những người Hồi giáo truyền thống. Theo đó, tương lai của Tunisia, dân chủ hơn hay bạo lực hơn, phụ thuộc vào cách đất nước này tìm ra cách thu hẹp khoảng cách, giảm thiểu những phản ứng đối nghịch trong xã hội.