Cột rào cổ điển có thể chặn xe tốc độ cao 80km/h
Người dân ở mọi nơi luôn muốn được an toàn khỏi những vụ khủng bố khiến 84 người thiệt mạng như ở Nice (Pháp), nhưng đồng thời cũng không muốn sống với tường thành và hàng rào thép gai.
Các nhà chức trách cũng không thể xây dựng những pháo đài bảo vệ, vì điều đó chứng tỏ sự bất lực trong việc chống tội phạm. Vậy làm sao một thành phố có thể tự vệ mà vẫn giữ được khung cảnh yên bình?
Trên thực tế, có rất nhiều cách thức để chống các cuộc khủng bố xe tải như ở Nice và bảo vệ khu vực công cộng. Mỹ, Israel và Anh là những quốc gia đi đầu trong các sáng tạo kiểu này, trong khi vẫn giữ mỹ quan đường phố.
Rào chắn dạng khối
Từ vụ khủng bố 11.9.2001, cơ quan quản lý đô thị Mỹ đã phải cân nhắc giữa thẩm mỹ và an toàn, vẽ ra những bản thiết kế đa dụng. Đơn giản nhất có lẽ là các cột hàng rào.
Các cột này được làm bằng kim loại bền, ban đầu có nguồn gốc để neo thuyền ở bến cảng, ngăn cách đường ray tàu hỏa. Kể từ lúc được đưa vào các con phố, những cột này trở nên kiên cố hơn, đặc biệt khi sử dụng cho những tòa nhà của chính phủ và đại sứ quán. Chúng có thể cản được xe chạy với tốc độ khoảng 80km/h.
Không chỉ mang hình dáng nòng pháo quen thuộc, cột rào còn được thiết kế rất đa dạng tùy vị trí và kiến trúc sân bay, phố đi bộ hay cao tốc. Không mấy ai nghĩ rằng những chiếc cột hình mầm cây này lại có mục đích an ninh.
Hàng rào hình mầm cây
Khi tìm phương án bảo vệ khu phố tài chính New York, công ty Rogers Partners Architects+Urban Designers đã loại bỏ các rào thép cứng nhắc thay bằng các khối đồng mang tên "No Go". Địa điểm đặt các cột rào an ninh này còn trở thành nơi nghỉ chân hay hội họp của cư dân xung quanh.
Chưa hết, cột bảo vệ có khả năng ngụy trang cao nhất chính là các chậu cây. Theo cơ quan quản lý Mỹ, các "hàng rào" này vừa có chức năng bảo vệ, vừa làm đẹp cảnh quan mà không tạo cảm giác ngột ngạt.
Rào chắn kiêm chậu cây
Như vậy, nhiều người dễ dàng đặt câu hỏi về tính mong manh trong kiến trúc quy hoạch đô thị, đặc biệt là sau những vụ tấn công kinh hoàng, tuy nhiên chúng không thực sự yếu ớt như vẻ ngoài.
Còn lý do cho điều đó, như Ruth Reed, chủ tịch Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh từng viết mở đầu Hướng dẫn thiết kế chống khủng bố: "Việc xây dựng đô thị phải cho thấy chúng ta là một xã hội cởi mở. Khi đối diện với những yêu cầu mới, thì kiến trúc không được cho thấy rằng chúng ta đang sợ hãi và phát cuồng những biện pháp an ninh".