Thỏ con tách mẹ sẽ được cho bú định kỳ 1 ngày 1 lần vào thời điểm nhất định. Trên mỗi chú thỏ con thường đánh số ký tự, số liệu từng con đều được ghi trên giấy bao gồm các thông tin: ngày sinh, ngày giao phối.
Ông Ngô Văn Tháp, xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm nuôi thỏ: Mục đích của việc ghi phiếu thông tin đầy đủ của các con thỏ con ở mỗi chuồng là để tránh sau này khi chọn lựa con giống xảy ra tình trạng cận huyết. Hơn nữa, ghi phiếu ở mỗi chuồng để người nuôi nắm được đến ngày nào thỏ sẽ sinh sản. Nếu để thỏ cận huyết giao phối, thỏ con sinh ra sẽ bị yếu, hoặc bị đẻ non, còi cọc, chậm lớn… Kiểm soát được thông tin từng con sẽ giúp thỏ con sinh ra khỏe mạnh, giúp người nuôi không gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc thỏ .
Thỏ được kiểm soát từ lúc sinh ra cho đến khi xuất bán nên có sức đề kháng bệnh rất tốt. Nhờ dùng lá cây thảo dược nên ông Tháp không phải dùng nhiều kháng sinh trong chăn nuôi thỏ.
“Thảo dược không có chất độc hại lại rất an toàn khi dùng để chữa bệnh cho thỏ. Mặc dù vậy, có những loại bệnh buộc phải sử dụng kháng sinh như bệnh tụ huyết trùng. Với những con này phải cách ly ngay lập tức và chữa đến khi nào khỏi hẳn bệnh, sau ít nhất 1 tháng mới được xuất bán”, ông Tháp chia sẻ.
Trước đây, ngô, thóc, khoai là thức ăn của thỏ. Nhưng từ khi nuôi thỏ với số lượng nhiều đồng thời muốn tăng chất lượng cho thỏ đạt yêu cầu, ông Tháp lựa chọn thức ăn nhanh (thức ăn công nghiệp) được phối trộn theo tỷ lệ 1: 3 (tức 3 phần ngô, lúa và 1 phần đậu tương).
Ngoài việc kiểm soát thức ăn, cần vệ sinh chuồng trại cho thỏ thường xuyên, tạo môi trường nuôi sạch sẽ, thoáng mát. Tuy nhiên, theo ông Tháp nuôi thỏ sạch không có nghĩa là phải nuôi với quy mô lớn. Điều kiện để nuôi thỏ sạch tốt chính là đảm bảo và chăm sóc con giống tốt ngay từ ban đầu, sức đề kháng của thỏ tốt, ít bệnh, tỷ lệ thành công cao.
Ảnh minh họa