Dân Việt

Nạn phân bón giả ảnh hưởng sản phẩm của Lâm Thao

Hồng Vũ- Thu Thủy 20/07/2016 16:00 GMT+7
Những năm gần đây, trên thị trường các tỉnh, thành phố, nhất là ở Bắc Giang xuất hiện nhiều mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng đã làm ảnh hưởng đến các thương hiệu uy tín khác, trong đó có sản phẩm của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.

Phân bón kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”

Mỗi năm, Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Giang cung ứng cho thị trường 110-120 tấn phân bón các loại. Những năm gần đây xuất hiện nhiều loại phân bón, sản phẩm có bao bì, mẫu mã nhập nhèm nên sản lượng tiêu thụ của công ty rất thấp, thậm chí còn không thu được lợi nhuận. Cách khắc phục của phía công ty là liên kết trực tiếp, đặt hàng của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Cán bộ của Lâm Thao khảo sát chất đất của Bắc Giang và đưa về những bộ sản phẩm độc quyền phù hợp đất Bắc Giang.

img

Bao bì sản phẩm phân bón lập lờ về chất lượng khiến người nông dân dễ mua nhầm.  Ảnh: Hồng Vũ

Ông Nguyễn Khang - Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Giang cho biết: “Những năm trước xuất hiện hàng giả phân bón của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, 2 năm nay không thấy xuất hiện nữa nhưng lại xuất hiện các loại phân trung lượng, lân canxi với hàm lượng dinh dưỡng cực thấp. Nếu trước đây hàng giả chỉ phát hiện qua bao bì, chất lượng thì nay là hàng giả với chính tên sản phẩm. Có nhiều loại phân bón ghi trên bao bì hàm lượng dinh dưỡng rất cao, nhưng thực tế lại rất thấp. Đây chính là kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” để lừa nông dân”.

"Tại Bắc Giang cũng đã xuất hiện hiện tượng sản phẩm phân bón bán đính kèm. Nhiều đại lý sẵn sàng bán phân Lâm Thao kèm với các sản phẩm phân trung lượng khác để kiếm thêm. Bởi thực tế, với mỗi sản phẩm của Lâm Thao chỉ được thu lãi 2.000-3.000 đồng/bao còn hàng phân bón trung lượng có lãi 7.000-12.000 đồng/bao. Bán hàng đính kèm như vậy đã gây hiểu lầm là phân Lâm Thao không có chất lượng tốt”.

Ông Nguyễn Khang

Cụ thể, bộ phận kỹ thuật của công ty đã phát hiện 3 loại bao bì của 3 công ty phân bón bán công khai, bao bì nhập nhèm chỉ khác nhau 1-2 con số. Loại thứ nhất là phân bón “NPK cao cấp 12.5.8” của Công ty CP Đầu tư quốc tế Đại Sơn (có trụ sở tại Bắc Giang). Đằng sau của bao bì ghi thành phần: Đạm (N) 1,2%; lân (P2O5) 0,5%; kali (K2O) 0,8%, chỉ bằng đúng 10% dinh dưỡng so với nhãn hiệu được ghi ở mặt trước của bao bì. Nếu nhãn bao đã ghi “NPK cao cấp 12.5.8”, thì hầu hết sẽ được ngầm hiểu rằng thành phần dinh dưỡng của đạm, lân, kali lần lượt là 12%, 5% và 8%. Tuy nhiên, bà con nông dân lại không có đủ kiến thức để tham khảo thành phần cụ thể ở đằng sau bao bì như thế nào.

Loại thứ 2 là “Phân bón công nghệ cao CNC-783” của Công ty TNHH Ứng dụng công nghệ cao” - ghi văn phòng giao dịch tại A8 Đại học Kinh tế quốc dân. Mặt sau thành phần dinh dưỡng cũng chỉ là: N = 0,7%; P2O5 = 0,8%; K2O = 0,3%

Loại thứ ba, là sản phẩm “DP-16.16.8” của Nhà máy phân bón trung lượng DP, sản xuất tại 1017 Cụm Công nghiệp Dĩnh Kế, Bắc Giang. Nhưng mặt sau hàm lượng dinh dưỡng là: N = 5; P2O5 = 3,5%; K2O = 2,5%.

Ông Khang nhận định: “Các sản phẩm phân bón đăng kí với nhà nước tổng hợp điều dưỡng trên 80%, nhưng khi phân tích hàm lượng điều dưỡng chỉ còn dưới 70%. Được hỏi đến thì họ lấy lý do đó là tên gọi của sản phẩm, không liên quan đến thành phần của sản phẩm, như vậy là tên một kiểu, chất lượng một kiểu. Để phát hiện được những sản phẩm giả, kém chất lượng, chỉ cơ quan chức năng mới có thẩm quyền lấy mẫu kiểm tra, phân tích mới xác định được. Nếu không giám sát chặt, chính các cơ quan nhà nước đang tiếp tay cho các doanh nghiệp này làm hàng giả, cạnh tranh thương hiệu với sản phẩm uy tín”.

Hiện nay, người nông dân thường tin vào các hệ thống đại lý sát dân để mua phân bón. Bởi vậy, họ dễ dàng bị các nhà sản xuất, các đại lý bán hàng lợi dụng. Nhiều đại lý chạy theo lợi nhuận cao, dù biết sản phẩm phân bón có hàm lượng dinh dưỡng thấp nhưng vẫn sẵn sàng tư vấn cho bà con nông dân mua phân bón đó. Như vậy, người nông dân đã bỏ tiền thật nhưng mua phải sản phẩm kém chất lượng.

Ông Khang cũng cho hay: “Tại Bắc Giang cũng đã xuất hiện hiện tượng sản phẩm phân bón bán đính kèm. Nhiều đại lý sẵn sàng bán phân Lâm Thao kèm với các sản phẩm phân trung lượng khác để kiếm thêm. Bởi thực tế, với mỗi sản phẩm của Lâm Thao chỉ được thu lãi 2.000-3.000 đồng/bao, còn hàng phân bón trung lượng có lãi 7.000-12.000 đồng/bao. Bán hàng đính kèm như vậy đã gây hiểu lầm là phân Lâm Thao không có chất lượng tốt”.

Yên tâm với Lâm Thao

Hiện nay, đã có trên 1.300 đại lý tiêu thụ đang phân phối sản phẩm của phân bón Lâm Thao. Năm 2015, nhà sản xuất Lâm Thao và Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Giang đã phối hợp mở 142 lớp tập huấn, từ năm 2016, mỗi tháng ít nhất 20 lớp tập huấn ở hầu hết các xã, về tận thôn để giúp bà con nông dân hiểu biết về phân bón Lâm Thao, quy trình bón phân cân đối và nhận biết phân bón giả. Cùng với đó, lợi nhuận bán hàng cho các đại lý phân phối sản phẩm Lâm Thao đã được nâng cao để có hệ thống bán hàng uy tín, cung ứng cho người nông dân sản phẩm chất lượng tốt. Công ty phấn đấu 95% các đại lý phân bón trên toàn tỉnh Bắc Giang phân phối sản phẩm phân bón mới của Lâm Thao.

Anh Trương Văn Thành ở thôn Trão Mới, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chia sẻ: “Nhà tôi dùng phân bón Lâm Thao cho cây vải hơn 10 năm rồi, đều cho chất lượng quả ngon. Mỗi khi gần vào đợt bón phân cho cây, lớp tập huấn phân bón Lâm Thao lại được mở tại hội trường xã. Chúng tôi được nghe các thông tin về phân bón mới, hướng dẫn cách bón cân đối, đúng quy trình. Có lần, cán bộ kỹ thuật của công ty xuống tận vườn vải xới đất, hướng dẫn bà con nên chúng tôi yên tâm lắm”. /.

Nên mua phân bón qua Hội Nông dân

Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao khuyến cáo, để mua được sản phẩm phân bón có chất lượng tốt, bà con có thể mua qua chương trình phân bón trả chậm của Hội Nông dân. Nếu mua tại các đại lý thì cần kiểm tra kỹ các thông tin hàm lượng thành phần dinh dưỡng N, P, K và các yếu tố trung vi lượng khác (lưu huỳnh, canxi, magiê…) trên bao bì xem có tương ứng với tên gọi sản phẩm hay không.

Ngoài ra, đối với những sản phẩm thường bán đính kèm, khuyến mại của các nhà sản xuất phân bón, bà con cũng không nên quá tin vì có thể mua phải hàng kém chất lượng. Chỉ nên mua những sản phẩm đã có thương hiệu nguồn gốc lâu đời trên thị trường và bán tại các đại lý có uy tín.

Ông Hồng cho hay: “Đối với những lớp tập huấn về phân bón do Lâm Thao và các đơn vị phối hợp tổ chức tại địa phương, bà con nên tham gia đầy đủ. Đây là những lớp tư vấn miễn phí và bổ trợ kiến thức cho bà con về các loại phân bón giả, thật trên thị trường. Chúng tôi đặc biệt coi trong các lớp tập huấn bởi đây chính là một cách được tiếp xúc gần nhất với bà con, nghe bà con chia sẻ, thấu hiểu suy nghĩ của bà con mới đồng hành cùng họ lâu dài được”.

P.V