Dân Việt

Bộ Kế hoạch đầu tư khẳng định chưa có dự án nào đầu tư vào Malta

Thanh Xuân - Hoàng Anh Tuấn 20/07/2016 06:00 GMT+7
Đó là khẳng định của ông Vũ Văn Chung – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) khi trao đổi với Dân Việt chiều ngày 19.7 về các dự án đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Ông Vũ Văn Chung cho biết, trong ngày 19.7, chúng tôi đã rà soát trong hệ thống đăng ký kinh doanh và kết quả cho thấy, chưa có nhà đầu tư nào đăng ký đầu tư vào Malta. “Bộ Kế hoạch đầu tư chưa cấp bất cứ một giấy phép nào đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho các nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào Malta”, ông Chung khẳng định.

Cũng theo ông Chung, đầu tư là mục đích kinh doanh, có mục tiêu, có dự án thực hiện cụ thể, đến đăng ký đầu tư. Sau khi đăng ký đầu tư rồi thì Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát dòng tiền chuyển ra, chuyển vào. Việc một nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư thì cần làm thủ tục theo đúng quy định, nếu đáp ứng điều kiện của Chính phủ thì sẽ được cấp chứng nhận đầu tư.  

img

Quốc đảo Malta – thiên đường trốn thuế

Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khai khoáng, sản xuất điện, viễn thông, tài chính ngân hàng, bất động sản, chế biến chế tạo, nông nghiệp, trồng cây công nghiệp... Trong tổng số hơn 20 tỷ USD vốn đầu tư ra nước ngoài, vốn thực hiện đã đạt 5,5 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện tập trung nhiều vào các lĩnh vực: Khoáng sản và dầu khí, đạt trên 3 tỷ USD; Nông nghiệp đạt 711 triệu USD; Viễn thông trên 500 triệu USD; Thủy điện trên 500 triệu USD.

“Hiện nay, Việt Nam đang đầu tư lớn nhất tại Lào, Campuchia, ngoài ra còn một số dự án đầu tư vào Nga, Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh. Chủ yếu là lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, trồng cây công nghiệp…

Ngoài ra, một số đầu tư sang Mỹ, Châu Âu nhưng chủ yếu là mở nhà hàng và làm dịch vụ phân phối hàng hóa. Về cơ bản là các dự án này rất tốt, chấp hành các quy định của Chính phủ”, ông Vũ Văn Chung nhận định.

Theo Bộ KHĐT, hiện đã có 6 tập đoàn, tổng công ty của Việt Nam có vốn đầu tư ra nước ngoài vượt ngưỡng 1 tỷ USD, bao gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam; Tổng công ty Sông Đà; Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; Công ty Cổ phần Golf Long Thành...

Liên quan tới thông tin bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị bác tư cách đại biểu Quốc hội do có 2 Quốc tịch, trong đó có Quốc tịch Malta là việc cá nhân không liên quan tới dự án đầu tư.

Đầu tư có nghĩa rất rộng, ví dụ người dân mua nhà ở nước ngoài hay cho con đi du học cũng được hiểu với nghĩa đầu tư. Tuy nhiên, ở nghĩa đầu tư như thế không thuộc phạm vi quản lý của Bộ KHĐT và các cá nhân khi “đầu tư” kiểu giao dịch mua bán đó không phải đăng ký tại Bộ KHĐT. Đến nay Bộ KHĐT chưa cấp phép cho bất kỳ một dự án nào đầu tư vào Malta.

Bộ KHĐT cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 1.079 dự án với tổng vốn đăng ký  hơn 20,2 tỷ USD. Việt Nam đã đầu tư tại 86 quốc gia và vùng lãnh thổ tại 5 châu lục trên thế giới.