Dân Việt

Đèn vàng thì nghĩa lý gì với người Việt?

Phạm Gia Hiền 20/07/2016 06:00 GMT+7
Ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người Việt là coi thường luật, coi thường người khác, và không hề thấy xấu hổ về điều đó.

Ra đời tại Mỹ vào năm 1923, nhưng trong suốt nhiều thập kỷ, đèn tín hiệu giao thông 3 màu không cách nào phổ biến được. Đơn giản vì ban đầu, nó không tự chuyển tín hiệu đèn, mà phải có người điều khiển. Cứ mỗi ngã tư lại cần 1 cảnh sát, đội cảnh sát riêng để điều khiển đèn giao thông đã ngốn 1 lượng nhân lực cũng như kinh phí rất cao. Và người dân ban đầu đã phản đối chiếc đèn giao thông có người điều khiển, đơn giản vì họ thấy thế là thừa. Đã có đèn giao thông thì còn cần cảnh sát làm gì, và ngược lại, đã có cảnh sát điều tiết giao thông thì còn phải đầu tư đèn đóm làm gì cho tốn kém?

Nghịch lý của gần 1 thế kỷ trước, hóa ra bây giờ lại vẫn đúng ở Việt Nam: những chiếc đèn giao thông rất nhiều khi chỉ có giá trị khi có cảnh sát giao thông đứng kèm. Bất cứ độc giả nào đọc đến đây, có lẽ trong đầu cũng lập tức tự liên hệ đến thực tế. Vâng, xin kính mời. Tôi đang nói đến những người, những dòng người, những đoàn phương tiện, nô nức chen lấn, vượt đèn đỏ, bỏ qua các loại biển báo cấm rẽ, phân làn, hay một chiều. Những cảnh đó, chúng ta chắc chắn đều đã gặp thường xuyên, thậm chí là gặp mỗi ngày, trên đường phố nơi ta sống.

img

Người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm và thản nhiên vượt đèn đỏ.

Cách đây vài tháng, một đoạn video clip được quay tại Hà Nội đã khiến nhiều người xôn xao. Đèn đỏ, vài chiếc xe máy đứng chờ. Bỗng có tiếng còi inh ỏi từ đằng sau, một chiếc xe máy muốn vượt đèn để rẽ phải (vấn đề là ngã tư đó không có biển cho phép phương tiện được rẽ phải khi có đèn đỏ). Người phụ nữ điều khiển xe máy đứng trước có vẻ khó chịu, nhưng coi như bỏ qua hành vi bất lịch sự, tiếp tục đợi đèn. Nhưng, thật khó tưởng tượng, người đàn ông ngổ ngáo điều khiển chiếc xe máy dấn ga, thúc thẳng vào đuôi xe người phụ nữ.

- Đang đèn đỏ mà (người phụ nữ thảng thốt quay lại phân trần)

- Có vượt không? Không vượt thì tránh ra (người đàn ông hất hàm).

Vậy là người phụ nữ đành phải đi lên một chút, lấn vào vạch cho người đi bộ. Người đàn ông thản nhiên tăng ga, vượt đèn, rẽ phải.  Đèn vẫn đỏ.

Đó là một hoạt cảnh hoàn hảo để diễn tả ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người Việt: coi thường luật, coi thường người khác, và không hề thấy xấu hổ về điều đó.Với một ý thức như thế, những cột đèn giao thông hoàn toàn vô nghĩa, nếu không có cảnh sát giao thông đứng kèm. Và thực tế cho thấy, ở những ngã tư có lực lượng CSGT túc trực, thì việc chấp hành tín hiệu đèn tốt hơn rất nhiều.

Xanh đi, vàng đứng, đỏ dừng – ý nghĩa của đèn giao thông được đưa vào chương trình giáo dục từ cấp tiểu học, thậm chí mẫu giáo. Nhưng từ khi hệ thống đèn được lắp thêm chỉ dẫn bằng đồng hồ đếm ngược, thì sự kiên nhẫn được rút ngắn hơn rất nhiều. Chiếc đèn vàng, với ý nghĩa “hãy chuẩn bị”, đã không còn giá trị. Đèn đỏ đếm ngược còn 3 giây, thì những xe phía sau bắt đầu bấm còi thúc giục. Áp lực ấy, khiến những chiếc xe đỗ sát vạch chồm lên, ngờ ngợ rằng hình như mình vừa vượt đèn đỏ, nhưng rồi ngay lập tức thấy yên tâm, khi bên cạnh, đằng sau, là cả 1 dòng xe cũng ùn ùn tiến tới. Vài giây “ăn cướp tập thể” ấy, không ai thấy áy náy, nhưng nhiều khi là nguyên nhân của những vụ tai nạn, khi mà ở chiều giao cắt, những chiếc xe cũng cố vượt qua. Đèn vàng ngậm ngùi gạt nước mắt cho sự tồn tại vô nghĩa của mình.

Tôi nhiều lần tự hỏi, người ta vội vã như thế để làm gì?

Cướp lấy vài giây của người khác, đổi lại, ném đi sự an toàn và ý thức của mình, để làm gì?

Chẳng nhẽ tất cả đều muộn giờ ra sân bay?

Chẳng nhẽ tất cả đều đang đến bệnh viện cấp cứu?

Chẳng nhẽ tất cả đều đang có một cuộc họp quan trọng để chủ trì?

Hay là gì khác?

Hay chỉ đơn giản là phóng thật nhanh đến cơ quan, cất xe, rồi vào hàng cà phê đọc báo. Hoặc đến sân tennis xỏ giày trước bữa cơm chiều.

Từ ngày 1.8 tới, theo Nghị định 46 của Chính phủ, thì hành vi vượt đèn vàng hay đèn đỏ đều bị phạt như nhau, với mức phạt tăng nặng gấp đôi so với hiện hành. Nhiều người phản biện rằng, như vậy chẳng khác gì bỏ đèn vàng, và tạo ra những tình huống nguy hiểm, khi mà người tham gia giao thông có thể sẽ phải phanh gấp đột ngột khi đèn chuyển tín hiệu. Thực tế, nếu đèn xanh đỏ kết hợp với đồng hồ đếm ngược được tuân thủ nghiêm túc, thì ai cũng biết rằng mình còn bao nhiêu thời gian để qua ngã tư, và tự ước lượng nên dừng hay vượt. Điều đó an toàn hơn tín hiệu đèn vàng lưỡng lự rất nhiều.

Bởi vậy, mấu chốt câu chuyện này không nằm ở chiếc đèn giao thông. Nó nằm ở ý thức người tham gia giao thông. Chừng nào người ta vẫn điều khiển phương tiện hòa vào dòng người với tâm thế của một chiến binh lao vào cuộc chiến sống còn, tranh cướp, chen lấn, coi thường sinh mạng những chiến binh khác, thì việc mỗi ngày vẫn có hàng chục “chiến binh” không về là điều dễ hiểu.

Trong trận chiến hỗn loạn đó, những chiếc đèn giao thông chỉ có giá trị trang trí như ta thường thấy trên cây thông mỗi dịp Noel mà thôi.