Dân Việt

BV Viện Đức mổ nhầm chân: Xin lỗi muộn màng?

Bảo Linh 20/07/2016 14:39 GMT+7
Vừa qua, anh Trần Văn Th. (xã Ứng Hòa, Hà Nội) được đưa vào bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật chân trái, song bác sĩ lại phẫu thuật nhầm sang chân phải. Mặc dù bị mổ nhầm nhưng bệnh viện vẫn thu 2 lần tiền của 2 lần phẫu thuật. Sự việc này đã khiến cho nhiều bạn đọc bức xúc...

Bác sĩ tắc trách

“Việc này cái sai của bác sĩ đã rõ ràng quá rồi. Bảo rằng trước khi vào phẫu thuật đã tiến hành sát khuẩn, che kín những vùng không cần can thiệp, chỉ lộ một chân ra. Vì thế, khi vào phòng mổ phẫu thuật viên chỉ việc mổ. Nhưng nếu như đọc kỹ bệnh án và thấy chân khác thì các bác sĩ cũng có nghi vấn. Và nếu cẩn thận hơn thì phải hỏi lại những người phụ trách khâu tiền phẫu thuật, hoặc kiểm tra lại cho chính xác. Thế nhưng, ở đây bác sĩ cứ thế là mổ. Bác sĩ đã quá thờ ơ, vô trách nhiệm với bệnh nhân. Đó là mổ chân chứ nếu như mổ những bộ phận có nguy hiểm đến tính mạng thì liệu họ có cơ hội để mổ lại như thế này nữa không?”

(Bạn đọc Trần Quang Trung, Long Biên, Hà Nội)

Bệnh viện xin lỗi muộn!

"Từ hôm qua tới giờ đọc thấy tin tức này mà mình cũng thấy bức xúc. Đáng lẽ ra ngay khi sự việc xảy ra khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện phải thông báo cho người nhà bệnh nhân và xin lỗi họ. Nhưng ở đây thì ngược lại, khoa không hề có động tĩnh gì ngoài việc đòi thêm tiền mổ cả 2 chân. Nếu như gia đình không quá bức xúc mà kiện lên bệnh viện, báo chí không đưa tin thì liệu họ có nhận được lời xin lỗi và tiền bồi thường muộn màng này không hay là sự việc chỉ rơi vào im lặng và người nhà vẫn phải đóng tiền phẫu thuật cả hai chân?"

(Bạn đọc Nguyễn Đức Trung, Cầu Giấy, Hà Nội)

img

Ảnh minh họa. I.T

Bác sĩ cũng nhiều áp lực

“Biết rằng việc sai sót của bác sĩ là sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng con người. Nhưng cũng phải xét lại, mỗi ngành mỗi nghề đều có những áp lực riêng, bác sĩ cũng vậy, mỗi ca mổ thì họ rất áp lực. Có nhiều lúc vì thực hiện nhiều ca mổ quá nên có thể họ không kịp kiểm tra lại quy trình trước đó, sai sót thường vì như vậy. Còn việc sai của các bác sĩ phẫu thuật khoa Chấn thương Chỉnh hình của bệnh viện Việt Đức thì không thể chối cãi được, nhưng nó có thể dễ chấp nhận hơn nếu như họ biết nhận lỗi chứ không phải ép nộp thêm tiền.”

Bạn đọc Trần Thị Oanh (Ý Yên, Nam Định)

Bác sĩ có đọc bệnh án?

“Đây không phải là trường hợp đầu tiên mổ nhầm đâu, nên cũng không lạ lắm. Trước đây, tôi cũng từng phải mổ chỉnh hình tay phải cũng ở bệnh viện. Do trước đó bị gãy ở đúng đoạn khớp, đã bó bột lành lại nhưng vẫn bị cong, vào phòng mổ nằm trên giường mổ rồi bác sĩ còn hỏi mổ tay hay mổ chân. Tiếp đó bác sĩ còn nói, mổ chân thì cởi quần, tay thì cởi áo; mổ tay nào đặt sang đây để tiêm thuốc tê. Tôi không rõ bác sĩ có đọc bệnh án trước khi mổ hay không nữa mà lại đi hỏi bệnh nhân như vậy?”

(Bạn đọc giấu tên, Bắc Giang)

Bệnh viện đầu ngành mổ sai, bệnh viện tuyến dưới thế nào?

Theo tôi được biết Bệnh viện Việt Đức là một trong những bệnh viện đầu ngành trong phẫu thuật chỉnh hình, thế nhưng lại có sự nhầm lẫn đến như thế này thật đáng tiếc. Các bác sĩ ở đây cũng đều là bác sĩ giỏi, đầu ngành mà còn mổ sai, thì không biết bệnh viện tuyến dưới thì sẽ như thế nào nữa. Nếu cứ như thế này thì liệu người dân có còn tin vào bệnh viện tuyến dưới được không? Người dân lo sợ cũng đúng thôi, tính mạng con người chứ không phải là trò đùa. 

(Bạn đọc Nguyễn Thị Thùy Linh, Vinh, Nghệ An)