Những cơn mưa lớn đã cuốn trôi theo chai, lọ thuốc BVTV, các loại vật tư nông nghiệp bị vứt bỏ trên đồng ruộng suốt nhiều tháng mùa khô theo các con suối trôi về khu vực lòng hồ.
Tại cửa miệng của những ống hút nước từ hồ Đan Kia vào nhà máy xử lý nước của Công ty Cổ phần cấp nước Sài Gòn - Đan Kia lênh láng những chai, lọ thuốc BVTV ngập ngụa trong cành cây, rác thải.
Vỏ chai thuốc tại khu vực nhà máy xử lý nước Đan Kia. Ảnh: Nguyễn Thành
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thiều, Đội trưởng Đội Quản lý hồ Đan Kia cho biết đội đã tổ chức thu gom chất thải nhưng mỗi khi vào mùa mưa số lượng chai lọ thuốc BVTV, rác thải nông nghiệp trôi về rất nhiều đến nỗi cứ vớt xong đợt này, lại có một đợt khác chai lọ trôi về.
Hiện tại, cơ quan chức năng chưa thống kê được mỗi năm có bao nhiêu mét khối chai, lọ thuốc BVTV theo nước mưa đổ về hồ Đan Kia. Tuy nhiên, tình trạng la liệt chai, lọ, vỏ nilon đựng thuốc BVTV nằm ngổn ngang trên bờ, dưới nước cho thấy một khối lượng lớn rác thải đựng chất hóa học độc hại nguy hiểm đang đổ dồn về đây.
Ngổn ngang chai thuốc trên bờ hồ Đan Kia. Ảnh: Nguyễn Thành
Lềnh bềnh rác thải, vỏ chai thuốc sâu. Ảnh: Nguyễn Thành
Lâu nay, nhiều nông dân có thói quen sau khi sử dụng các loại vật tư nông nghiệp(VTNN), thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) xong là vứt bỏ tại chỗ. Có rất ít nông dân mang các loại rác thải này tập trung về một nơi an toàn, xử lý.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó chi Cục trưởng chi Cục BVTV Lâm Đồng, việc quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho người nông dân về việc sử dụng phân thuốc, ý thức gom bao, vỏ thuốc khi dùng xong. Do đó, để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, mọi người cần phải tự giác nâng cao ý thức thu gom rác thải vật tư nông nghiệp. Sau khi sử dụng xong nên phân loại rác thải và xử lý an toàn.