Dân Việt

"Chiến tranh cá" ở Biển Đông khốc liệt hơn sau phán quyết "Đường lưỡi bò"

Phương Đăng (tổng hợp) 21/07/2016 06:00 GMT+7
Theo The Wall Street Journal, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông có thể sẽ châm ngòi cho “cuộc chiến tranh cá” khốc liệt hơn trong khu vực.

Ngay sau khi PCA ra phán quyết ủng hộ Philippines trong vụ kiện Đường lưỡi bò với Trung Quốc ngày 12.7, Bắc Kinh lập tức lên tiếng chỉ trích gay gắt phán quyết là “hồ đồ”, vô căn cứ, không hơn một mớ giấy lộn. Đồng thời, Bắc Kinh tái khẳng định không chấp nhận cũng không tuân thủ phán quyết đồng thời sẽ tiếp tục làm bất cứ điều gì nước này muốn ở Biển Đông.     

Báo Mỹ The Wall Street Journal ngày 19.6 dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng, trong ngắn hạn, phán quyết của Tòa Trọng Tài sẽ dẫn đến việc gia tăng đánh bắt cá ở Biển Đông. Thứ nhất là vì nhu cầu tự nhiên về cá ngày càng tăng lên. Thứ hai, các nước liên quan đến tranh chấp ở biển Đông đều muốn thực thi chủ quyền tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình.

Theo đó, Philippines có thể dựa vào phán quyết có lợi cho mình để tự tin đẩy mạnh khai thác nguồn cá cũng như tài nguyên khác trong khu vực.

img

Ngư dân làng chài ở thành phố Cavite City vận chuyển cá vừa đánh bắt được khỏi tàu. Ảnh: EPA

Còn về phần mình, Trung Quốc cũng sẽ tăng cường đánh bắt cá như là một cách để tái khẳng định các yêu sách chủ quyền của nước này. Đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc lâu nay vốn vẫn xem các đội tàu cá của nước này như là một phương tiện để khẳng định chủ quyền đối với các bãi cạn, đảo đá, rạn san hô và các thực thể khác trên Biển Đông.

Bắc Kinh lâu nay vẫn đang thực thi chính sách khuyến khích ngư dân tích cực vào đánh bắt tại các vùng biển đang tranh chấp, trấn giữ các vùng đánh cá và thách thức tuyên bố chủ quyền của các nước trong khu vực. Theo đó, ngư dân Trung Quốc được chính phủ tài trợ tiền đóng tàu mới hoặc trang bị thêm cácthiết bị tối tân hơn cho tàu cá.  

Các đội tàu cá đông đảo và hung hăng của Trung Quốc ngày càng áp đảo đội tàu cá của Philippines, Malaysia và một số nước khác…

Ông Eugenio Bito-onon, thị trưởng một thị trấn Philippines cho hay, có thể bắt gặp hơn 300 tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt ở phía nam bãi cạn Scarborough ở Biển Đông vào bất cứ ngày nào trong năm.

Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào tháng 4.2012 và kể từ đó cấm ngư dân Philippines đánh bắt trong và xung quanh ngư trường truyền thống của họ.

Mất ngư trường truyền thống, ngư dân từ miền nam Philippines mạo hiểm đi thuyền hơn 500 km đến vùng biển xung quanh đảo Sulawesi của Indonesia để đánh bắt.

Kể từ cuối năm 2014, ước tính Indonesia đã bắt 153 tàu cá săn trộm, bao gồm 43 tàu Philippines và 1 tàu Trung Quốc.

Theo giới phân tích, việc các nước gia tăng đánh bắt ở Biển Đông sẽ là điều đáng quan ngại trong bối cảnh ngày càng có nhiều cảnh báo rằng, nguồn cá trong khu vực đang suy giảm mạnh.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học British Colombia (Canada) ước tính, lượng cá xuất khẩu ở Biển Đông đã tăng đáng kể, chiếm 27% tổng lượng cá xuất khẩu toàn cầu năm 2011 so với khoảng 11% vào thập niên 1980.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nguồn cá ở Biển Đông trong vòng 20 năm tới có thể sẽ giảm tới 59%, nếu chính phủ các nước trong khu vực không có biện pháp để ngăn chận tình trạng đánh bắt quá mức.

Tuy nhiên, trong dài hạn, theo một số nhà phân tích, phán quyết của PCA có thể có tác động tích cực, trở thành đòn bẩy giúp các quốc gia trong khu vực tăng cường hợp tác để chia sẻ và bảo vệ nguồn cá ở Biển Đông, thay vì tiếp tục xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế của nhau.

Ông Timothy Heath, nhà nghiên cứu cao cấp tại Rand Corp, một tổ chức tư vấn của Mỹ, phán quyết của PCA có khả năng tạo ra "động lực cho các nước có liên quan tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của nhau" cũng như các chế tài để bảo vệ nguồn cá ở Biển Đông.