Dân Việt

Luật cho quan, luật cho dân?

Nguyễn Tường 21/07/2016 05:54 GMT+7
Diễn biến ở nhiều vụ tố tụng, găm vào dư luận một cảm giác rằng các cơ quan tư pháp rất nhiệt tình truy bức dân và nhiệt tình gỡ tội cho cán bộ.

Trong vòng vài ngày, hai thanh niên lãnh án tù giam vì cướp bánh mì, cùng lúc lãnh đạo Vinaconex được miễn tố và 45 vị cán bộ ngân hàng gây thất thoát 9.000 tỷ đồng  “ung dung” ra tòa. Giữa những ý kiến trái chiều, dư luận nghiêng hơn về nỗi hoang mang về một cái “lệ” cao hơn luật: Luật cho quan khác luật cho dân.

Câu chuyện hai thanh niên 18 tuổi tên Tuấn và Tân cướp giật ổ bánh mì cùng vài thứ lặt vặt, tổng giá trị 45 nghìn đồng, bị TAND quận Thủ Đức, TP.HCM tuyên án lần lượt 10 tháng và 8 tháng 20 ngày tù, xin không nhắc lại. Cùng thời điểm, sai phạm tại Vinaconex không bị khởi tố, cũng không cần phải nhắc lại. Điều đáng nói nhất là sự tương phản cực lớn khiến dư luận phản ứng gay gắt. Thậm chí, phần đông ý kiến đều cho rằng có sự thiên lệch quá lớn về mặt tố tụng giữa các vụ việc, mà xuất phát điểm lại do địa vị xã hội.

img

Hai thanh niên đã bị tuyên án tù vì hành vi cướp bánh mì, đậu phộng tổng giá trị 45.000 đồng.

Sự thiên lệch rõ ràng ở chỗ, hai thanh niên giật ổ bánh mì vì đói bị bắt ngay lập tức còn 5 quan chức Vinaconex là tác giả của 18 lần vỡ đường ống nước Sông Đà không bị khởi tố. Lý lẽ của HĐXX “hai tên cướp” bánh mì là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đây là phần thiếu thuyết phục nhất bởi vì rõ ràng Tuấn và Tân không sử dụng bạo lực, không hung khí hoặc khống chế. Nguy hiểm (nếu có) sẽ xảy đến với chủ tiệm bánh mì, bản thân người này cũng đã làm đơn xin giảm tội cho các bị cáo. Và chắc rằng, trong bản án đanh thép của TAND quận Thủ Đức, đã bỏ qua yếu tố nhân văn nhất là cơn đói bụng cộng với tính bốc đồng của tuổi trẻ, khi nhận thức pháp luật còn non kém. Và một trong hai, phạm tội lần đầu.

Thế còn Vinaconex? Một sai phạm lặp lại tới 18 lần vẫn được cho là “vi phạm lần đầu” để miễn khởi tố, không thể thuyết phục được dư luận. Và rõ ràng, yếu tố gây nguy hiểm cho xã hội trong vụ việc này, lớn hơn gấp vạn lần vụ ổ bánh mì. Quan điểm của nhiều luật sư, chuyên gia tư pháp cũng chỉ rõ,hành vi của lãnh đạo Vinaconex có thể bị truy tố ở khung hình phạt 8 đến 20 năm tù. Nhưng họ vẫn bình an vô sự, được miễn tố vì “khai báo thành khẩn, hợp tác làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng”. Càng vô lý hơn, đây là những điểm không nằm trong quy định được miễn truy tố, quy định trong Bộ luật tố tụng Hình sự.

Tương tự như các vụ án trước đây. Khi hai người đàn ông ở Kontum phải vào tù vì bắt một con vịt thì một bí thư huyện ủy ở Cao Bằng lái ô tô đâm chết 3 người vẫn được hưởng án treo. Khi ông chủ quán Xin Chào và người dựng lều vịt suýt mang thân phận những người tù thì những cán bộ “tác giả” của vụ án oan Huỳnh Văn Nén vẫn ung dung giữa cuộc đời, mặc cho tiếng kêu bi thương của một con người 17 năm cay đắng, oan trái trong tù.

Sự thiên lệch vượt ra khuôn khổ của các bản án, thành những cái lệ vô hình rất nguy hiểm. Ví dụ như người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén từng được yêu cầu phải trình…hóa đơn chi phí trong những ngày đi kêu oan. Trong khi ở thái cực khác, Dương Chí Dũng phạm tội tày đình vẫn được ăn lương đều đặn trong 2 năm… ngồi tù.

Diễn biến ở nhiều vụ tố tụng, găm vào dư luận một cảm giác rằng các cơ quan tư pháp rất nhiệt tình truy bức dân và nhiệt tình gỡ tội cho cán bộ. Cùng một thân phận bị cáo, nhưng hai thanh niên cướp bánh mì chống đói ngơ ngác, rúm ró còn 45 cán bộ ngân hàng bình thản, trâng tráo, sắc lạnh trước vành móng ngựa. Một loạt đại án khác, cán bộ đến tòa còn vui vẻ, cười tươi như trẩy hội. Đó không phải là tâm thế của kẻ bị trừng phạt, mà nó gợn lên một sự thỏa hiệp, một vòng bảo vệ vô hình nào đó.

Sự tương phản giữa vụ án ổ bánh mì, Vinaconex hoặc 9.000 tỷ khiến dư luận day dứt rằng luôn có tính thân phận xã hội trong mỗi vụ án. Những vụ tố tụng theo chiều tương phản như vậy, cho dù dân có tin hay không tin, thì hiện thực vẫn cứ tồn tại hiện tượng "một bản án cho quan và một bản án cho dân". Điều này phá vỡ nguyên tắc lõi của pháp luật là công bằng và bình đẳng. Mất đi giá trị cốt lõi đó, pháp luật sẽ trở nên vô dụng trong việc duy trì trật tự xã hội.