Một ngày, tôi chợt nhận thấy bác sĩ Roberto de Castro - người đã phẫu thuật tái tạo “con chim xinh xinh” cho con trai Thiện Nhân già đi, tôi thốt lên: “Ông già dần đi rồi, nếu ông chết thì nguy to, tôi phải làm thế nào bây giờ”. Khi ấy, chúng tôi đã bắt đầu chương trình phẫu thuật từ thiện cho trẻ em khuyết tật cơ quan sinh dục tại Việt Nam được mấy năm.
Tôi chỉ thốt lên như một câu nói đùa pha chút tình cảm thương bác sĩ Roberto sang Việt Nam vất vả phẫu thuật giúp trẻ con. Thế mà ông bác sỹ già suy nghĩ thật. Rồi kỳ phẫu thuật tiếp sau đấy, bác sĩ Roberto báo có thêm bác sĩ Auraulie sang cùng. Roberto nói, Auraulie sinh năm 1977, trẻ hơn cả tuổi của mẹ Thiện Nhân, nên yên tâm đi nhé.
Bác sĩ Roberto de Castro (phải), người đã phẫu thuật cho bé Thiện Nhân.
Auraulie là bác sĩ nữ nhưng rất cao, cao tới trên 1,8m nên mỗi khi thay trang phục vào phòng mổ là chúng tôi lại cười nghiêng ngả. Cô bác sỹ trẻ nhất trong đoàn, cao nhất trong đoàn mặc cái quần dài mà lên đến tận đầu gối, chưa hết buồn cười thì đến đoạn thử dép cũng không đôi nào vừa. Phải ra chợ mua đôi dép riêng, đi đâu trong viện cũng ôm khư khư.
Thế mà cô bác sỹ ấy vẫn miệt mài quay lại Việt Nam hàng năm. Lần tiếp theo tôi đón Auralie ở sân bay, sau một chuyến bay dài từ thành phố Leccee, Miền Nam nước Ý và cô nhất quyết bay hạng phổ thông do biết chương trình không có nhiều tiền, khuôn mặt cô vẫn rạng rỡ với cái ba lô thật to đeo trên vai. Thì ra cả ba lô cô xách tay đó toàn là các thiết bị cần thiết cho phẫu thuật cô mang từ nước Ý.
Ngồi trên xe, cô khoe với tôi một cái phong bì trong đó có các đồng tiền Euro nhiều mệnh giá, đó là số tiền mà một người bạn của cô quyên góp được từ một trường học cho những em bé không may mắn ở Việt Nam. Lần tiếp theo nữa, cô đến Việt Nam và có mang theo một đôi dép thật to để đi trong phòng mổ. Đôi dép mang từ Ý vừa với cỡ chân của cô.
Và cùng với đôi dép đấy là một câu chuyện đẹp, cô bảo cô có bạn trai và người bạn trai đó chính là người giúp cô đi quyên tiền năm nào. Họ gặp nhau nhiều hơn, trao đổi với nhau nhiều hơn rồi tìm cách thành lập chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” ở Ý để nhằm huy động nguồn tài trợ cho các em nhỏ cũng như chi phí cho họ bay qua Việt Nam hàng năm. Và rồi tình yêu bắt đầu từ đó.
Lần gần đây, cô và người yêu đã thành vợ chồng, cô quay lại Việt Nam với mong muốn của chồng là có thể hỏi thăm bạn bè để tìm một người con nuôi Việt Nam. Vì một lý do đơn giản đến đáng yêu, là cô muốn Việt Nam trở thành quê hương của mình.
Trong một lần Roberto đã tâm sự, tôi muốn sang phẫu thuật cho trẻ Việt Nam, muốn giúp các em bé trai, em bé gái có được cơ quan sinh dục bình thường, đôi tay tôi mổ được nhưng tôi không thể đi bộ sang Việt Nam. Và chúng tôi sẽ không thể quên cuộc điện thoại của Roberto vào cái ngày đang nước sôi lửa bỏng ngồi cộng trừ nhân chia với câu hỏi làm sao đủ tiền mổ rằng chỉ cần mua nửa vé thôi nhé vì ông đã huy động được nửa vé máy bay.
Có ai nghĩ một vị bác sỹ nổi tiếng khắp thế giới, những gia đình giàu có ở các nước mua vé máy bay hạng nhất cho ông và trả những chi phí rất cao để ông bay đi các nơi lại đồng ý sang Việt Nam một năm những 2 lần chỉ để giúp các em bé ở Việt Nam. Và lại còn lo xa đến cái tận ngày mình... chết.
Chặng đường còn dài lắm khi núi hồ sơ cứ cao dần cao dần. Khi các phóng viên, bạn bè hỏi Roberto là “tại sao ông lại quyết định giúp” hay “ông giúp đến bao giờ”? Ông luôn nở nụ cười của ông Bụt và chia sẻ mong muốn sẽ mang thêm nhiều bác sỹ qua Việt Nam nữa để có thể mổ cho nhiều em bé hàng năm. Và ông đã làm điều đó trong suốt những năm qua, số lượng bác sỹ sang nhiều hơn cho mỗi kỹ phẫu thuật, số lương trẻ em được phẫu thuật và khám cũng tăng theo.
Roberto luôn để lại ở Việt Nam một vali đầy quần áo, giày và những trang phục ông cần cho kỳ làm việc. Gần đây, một bệnh nhân đã tặng ông một bức tranh gắn bằng đá rất lớn. Ông rất hạnh phúc và dặn chúng tôi chuyển ra Hà Nội và giữ gìn cho ông. Chúng tôi đùa rằng, có khi ông nên chuyển sang Việt Nam rồi mua một căn nhà mới có đủ chỗ để những món quà từ trái tim này. Mọi người đều cười ồ nhưng ai biết được điều kỳ diệu gì sẽ xảy ra trên hành trình chỉ có sự yêu thương này.Vậy là hành trình Thiện Nhân và những người bạn tiếp tục trên cơ sở cái trang phục phòng mổ ngắn nửa ống chân, trên cái hoá đơn nửa vé máy bay từ Ý.
Trong những ngày này, ở khắp nơi trên thế giới, và cả ở Việt Nam nữa, khái niệm “quốc gia”, “chủ nghĩa dân tộc”, “biên giới” đang được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết, và ở nhiều nơi mang một sắc thái tiêu cực. Nào là Anh rời khỏi EU, nào là Donald Trump muốn xây tường ngăn biên giới, các chính trị gia cánh hữu “lên hương” ở khắp nơi.
Tôi chỉ muốn kể ra câu chuyện nhỏ của mình, với những người bạn từ một quốc gia xa xôi đã chủ động tìm đến và trao tình yêu vô điều kiện cho Việt Nam, rồi lại chủ động nhân rộng tình yêu ấy thành một cộng đồng. Để thấy rằng bất chấp những biến động, thế giới này vẫn còn chỗ cho tình yêu, không phân định biên giới. Chỉ cần chúng ta chưa từ bỏ niềm tin và đừng sống thu mình.