Hà Nội không nên "ăn theo" Hải Phòng
“Hình ảnh hoa phượng gắn liền với Hải Phòng, đã tạo nên nét đẹp riêng đặc sắc, nói đến hoa phượng người ta nghĩ ngay đến Hải Phòng. Cũng có lẽ vì thế không phải chỉ Hải Phòng mới có hoa Phượng nhưng trong mắt của nhà thơ, nhà văn... thì dường như hoa phượng ở Hải Phòng là đẹp nhất. Tuy nhiên, không phải vì thế mà “hoa phượng hoá” tất cả các tuyến phố mà chỉ nên tập trung ở dải trung tâm và tuyến đường du lịch Hải Phòng- Đồ Sơn. Hà Nội thì không nên trồng phượng. Trồng cây trong thành phố không thể tuỳ tiện mà phải tính đến yếu tố văn hoá, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học về đặc điểm sinh trưởng của cây trồng, yếu tố thổ nhưỡng có phù hợp với loại cây đó không? Cây trồng có tỏa bóng mát không. Hà Nội đã có cây sấu, cây bàng gắn liền với hình ảnh của Hà Nội, đã đi vào thơ ca thì cần gì "ăn theo" Hải Phòng cây hoa phượng. Cần tránh tình trạng trồng cây sau 5 năm, 10 năm lại phá bỏ như Hải Phòng từng phá bỏ cây gạo gai, Đà Nẵng phá bỏ cây hoa sữa... vừa tốn kém vừa lãng phí.”
(Nhà thơ Vũ Thị Huyền (trú tại 72 Đình Đông, TP Hải Phòng)
Hai bờ sông Tô Lịch hoa phượng đỏ rực trời, cảnh tượng khiến ai ngang qua cũng phải trầm trồ. Ảnh: Hanoitv
Hoa phượng - "thương hiệu độc quyền" của Hải Phòng
“Năm nay tôi đã 78 tuổi, không biết loài hoa phượng được trồng từ bao ở Hải Phòng nhưng cả tuổi thơ của tôi gắn với loài hoa này. Cứ mùa hè hoa phượng lại nở đỏ rực cả thành phố, khắp phố phường rộn ràng tiếng ve kêu hòa quyện vào màu đỏ rợp trời của hoa phượng tạo thành một khung cảnh thơ mộng không nơi đâu tìm thấy. Loài hoa này rất đẹp. Đây là loài hoa đã đi vào thơ ca của Hải Phòng, nó gắn liền với tuổi trẻ đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên, cho nên mặc dù năm nay đã nhiều tuổi nhưng mỗi lần ngồi dưới tán phượng tôi lại thấy nao lòng bởi những kỷ niệm đã qua. Có thể vì sức hấp dẫn của loài hoa này lớn mà hoa phượng được chọn là loài hoa đặc trưng cho Hải Phòng . Tôi đã đi nhiều nơi và cũng thấy nhiều nơi trồng hoa phượng, nhưng hoa phượng ở Hải Phòng là đẹp nhất, có lẽ do chất đất và khí hậu của nơi đây phù hợp cho cây phượng phát triển hơn các nơi khác.”
(Cụ Nguyễn Văn Nghị, trú tại Nghị trú tại phố Lâm Tường- Tô Hiệu, Hải Phòng)
Lá phượng rụng dễ gây tắc ống thoát nước
"Hải Phòng vốn có cây hoa phượng là loài cây đặc trưng. Cây có lá nhỏ hơn so với các loại cây khác nên mỗi khi rụng, gặp trời mưa lá thường bết dính trên mặt đường, còn mưa to thì dễ chui xuống khe cống thoát nước. Mỗi khi quét và thu gom rác, nhân viên đều phải quét dọn sạch sẽ mặt đường, thậm chí vét sạch cả miệng cống khi lá bết vào đó."
Chị Nguyễn Thị Yên, tổ trưởng tổ thu gom rác thải tại phường An Dương, quận Lê Chân, TP Hải Phòng (nhân viên công ty TNHH MTV Môi trường, đô thị Hải Phòng)
Giòn cành, dễ gãy
“Không ai phủ nhận việc trồng hoa phượng khiến cảnh quan môi trường của thành phố rất đẹp. Vào mùa hạ, các khung đường bỗng rực đỏ khiến cả thành phố thêm rực rỡ. Nhưng cũng vào mùa hè, mỗi lần mưa bão, cành phượng gẫy, đổ xuống đường, gây không ít khó khăn cho người đi đường và cả những công nhân vệ sinh môi trường đô thị sau đó. Tôi nghĩ, Hà Nội nên cân nhắc việc đồng loạt trồng phượng ở dải phân cách vì chắc chắn sẽ rất vất vả để xử lý cành lúc vào mùa mưa bão. Đó là chưa kể việc cành rơi, cành gãy... ảnh hưởng đến người đi đường".
(Chị Nguyễn Thị Thu, TP. Hải Phòng)