Dân Việt

Ăn nên làm ra bằng nuôi lợn khép kín

Đức Thịnh 24/07/2016 08:18 GMT+7
Khép kín là bí quyết chăn nuôi lợn hiệu quả của ông Hoàng Văn Mơ ở xã Nghĩa Trung, Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Ông Mơ kể, trước khi chăn nuôi lợn ông từng xoay xở làm đủ thứ nghề. Năm 2012, có chút vốn, ông đầu tư nuôi 30 con lợn thịt. Nhờ chăm sóc tốt, đàn lợn khỏe mạnh, lớn nhanh. Sau 4 tháng ông xuất bán lứa lợn đầu tiên thu về 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 20 triệu đồng. Thấy nuôi lợn thu nhập khá, ông Mơ quyết định dồn lực nâng quy mô. Năm 2013, ông tăng số lượng đàn lợn lên 50 con/lứa, 2 lứa/năm. Năm 2014, ông đã mở rộng quy mô nuôi lợn lên 200 con/lứa, 2 lứa/năm. Ngoài ra, ông còn đầu tư xây bể biogas để xử lý chất thải và có khí đốt phục vụ việc đun nấu, thắp sáng.

img

Đàn lợn nái ngoại được ông Mơ chăm sóc rất cẩn thận. Ảnh: Đ.T

“Đang ăn nên làm ra, cuối năm 2014, dịch bệnh bùng phát, đàn lợn của của gia đình tôi bị chết hơn 100 con, thiệt hại hơn 300 triệu đồng” - ông Mơ nhớ lại. Mất của, chán nản ông Mơ bỏ bê chuồng trại một thời gian dài. Được sự động viên, hỗ trợ của các thành viên trong Tổ chăn nuôi lợn xã Nghĩa Trung, tháng 5.2015 ông quyết định tái đàn, làm lại từ đầu.

Lần này, ông Mơ đầu tư nuôi lợn nái để chủ động con giống. Dẫn chúng tôi tham quan dãy chuồng lợn nái hiện đại được đầu tư gần nửa tỷ đồng, ông vui vẻ giải thích: “Trước đây, tôi toàn mua lợn giống từ bên ngoài vừa đắt, lại dễ gặp rủi ro do không đảm bảo được người bán có tiêm phòng đầy đủ cho lợn mẹ và lợn con. Lần này tôi nuôi 20 con lợn nái ngoại để chủ động lợn giống”.  Mỗi ô chuồng lợn nái đều được đánh số thứ tự, có bảng ghi khối lượng thức ăn tiêu thụ hàng ngày, lịch tiêm phòng định kỳ, thời gian phối giống. Ông Mơ còn hợp tác làm đại lý cấp 1 cho các công ty thức ăn, thuốc thú y. Hiện với quy mô 20 con lợn nái, 100 con lợn thịt/lứa, 2 lứa/ năm gia đình ông  có thu nhập cao từ chăn nuôi lợn./.