Dân Việt

Tiền Giang: Lại lùm xùm chuyện làm sổ truyền thống gia đình văn hóa

Thịnh Tiến 24/07/2016 09:35 GMT+7
Sau khi báo điện tử Dân Việt có thông tin “Tiền Giang: Hàng trăm người bị dụ nộp tiền in bảng "mãi mãi ghi danh" vào ngày 7.7, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin chuyện làm sổ truyền thống gia đình văn hóa và bảng công nhận gia đình văn hóa ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang gây bức xúc trong dư luận.

"Gạ" làm "Bảng gia đình văn hóa" giá 250.000 đồng

Theo đó, sự việc này đã xảy ra vào khoảng giữa năm 2015, tại xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo. Vào thời điểm đó xã này chuẩn bị ra mắt xã văn hóa nông thôn mới. Theo phản ánh của người dân, các gia đình văn hóa trên địa bàn xã Tân Bình Thạnh nhận được thư mời của UBND xã đến trụ sở ấp văn hóa để chụp ảnh làm Sổ truyền thống gia đình văn hóa miễn phí, ngoài ra trên loa truyền thanh của xã cũng phát thông báo kêu gọi các hộ gia đình văn hóa tham gia đầy đủ.

img

“Sổ truyền thống gia đình văn hóa” ấp Nhựt Tân được nhóm người của ảnh màu C.M tặng. Ảnh Thịnh Tiến

Thực hiện theo tinh thần thư mời và thông báo đó, đại diện hộ gia đình văn hóa 3 năm liền đã đến trụ sở ấp để chụp hình và tại đây họ được những người chụp hình đưa ra những mẫu “Bảng công nhận gia đình văn hóa”, trên đó có in ảnh, tên, địa chỉ của chủ hộ và thuyết phục đăng ký với giá 250.000 đồng mỗi bảng. Không ít người xiêu lòng đăng ký để rồi khi nhận sản phẩm thì nhận luôn sự bực mình vì tốn tiền nhưng hình ảnh của  họ không trung thực và trên bảng công nhận đó chẳng có chữ ký, con dấu của cơ quan, đơn vị nào, tức không có giá trị công nhận gì cả.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Nhưng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang thừa nhận có xảy ra sự việc như trên. Ông Nhưng cho biết xã có 4 ấp với trên 1.800 hộ dân, hơn 80% số hộ dân này được công nhận là gia đình văn hóa liêu tục 3 năm liền. Lúc đó có một nhóm người đến làm việc với UBND xã theo giới thiệu và công văn của Phòng Văn hóa thông tin huyện Chợ Gạo (ông Nhưng cho biết không nhớ rõ thời gian và tên đơn vị đến liên hệ). Khi đến làm việc, nhóm người này khẳng định chỉ chụp ảnh sau đó in thành quyển “Sổ truyền thống gia đình văn hóa” tặng cho mỗi ấp một quyển.

“UBND xã thấy việc làm này hợp lý vì được UBND huyện chấp thuận chủ trương và có văn bản của Phòng văn hóa hẳn hoi, mặt khác hình thức quyển sổ cũng đẹp, bắt mắt, có hình ảnh các hộ gia đình, bởi lâu nay những gia đình được công nhận gia đình văn hóa nhiều năm được xã lưu lại trong sổ vàng, tuy nhiên chỉ là quyển sổ ghi danh sách bình thường không có hình ảnh” – Ông Nhưng cho biết. 

img

Chân dung đại diện các hộ gia đình văn hóa được in trong sổ. Ảnh Thịnh Tiến

Theo Phòng Văn hóa thông tin huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang,  đơn vị đến liên hệ chụp ảnh làm sổ vàng gia đình văn hóa tại huyện Chợ Gạo là doanh nghiệp ảnh màu C.M ở TP. Hồ Chí Minh. Theo tinh thần của đơn vị đến làm việc là chụp ảnh chủ hộ gia đình văn hóa và làm sổ vàng miễn phí tặng địa phương. Việc chụp ảnh làm sổ truyền thống này Phòng Văn hóa thông tin huyện có xin chủ trương và được UBND huyện Chợ Gạo đồng ý.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, nhân viên của đơn vị này vận động thêm hộ dân chụp ảnh làm bảng gia đình văn hóa có thu phí khiến dư luận bức xúc. Trước tình hình đó, Phòng văn hóa thông tin huyện đã lập tức chấn chỉnh yêu cầu doanh nghiệp C.M ngưng hoạt động trên.

Lấy mặt người này, ghép thân người khác

Tại UBND xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, một cán bộ văn hóa xã hội của xã này mang ra 2 quyển “Sổ truyền thống gia đình văn hóa” của 2 ấp đã hoàn thành chụp ảnh ra cho chúng tôi xem. Đó là quyển sổ bìa cứng màu đỏ, dày khoảng 30 trang.

Trong mỗi quyển, những trang đầu in ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh kèm bài viết ngắn nhan đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình và giáo dục gia đình”, ảnh Lễ tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc năm 2013 với chất lượng ảnh rất kém, nhòe nhoẹt kèm bài viết nhan đề “Gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước”, “Tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục công nhận gia đình văn hóa”, hình ảnh và danh sách Ban chủ nhiệm ấp văn hóa; các trang còn lại, mỗi trang bố trí 9 ảnh cá nhân đại diện gia đình văn hóa…

Ngoài việc tự sáng chế mẫu “Sổ truyền thống gia đình văn hóa”, điều khó coi ở các quyển “sổ truyền thống” này chính là hình ảnh của các chủ nhân gia đình văn hóa được cắt ghép thô bạo. Bằng kỹ thuật photoshop, đơn vị chụp ảnh ghép đầu người chụp vào thân hình có sẵn nên nhiều trường hợp việc ghép thân giả vào đầu người thật không tương thích nên có ảnh thân người béo ụ trong khi mặt ốm teo, ngược lại có thân hình giả còm nhom lại cõng gương mặt phúng phính…

Đặc biệt hơn, có rất nhiều ảnh, họ chỉ cắt lấy gương mặt của người chụp và ghép vào cái khuôn tóc tai, áo… của người khác. Chỉ riêng trong “Sổ truyền thống gia đình văn hóa” của ấp Nhựt Tân có đến hơn chục “bà chủ” gia đình văn hóa “mặc cùng chiếc áo và uốn cùng kiểu tóc, đeo cùng một đôi bông tai”.

Ông Đoàn Văn Nhưng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình Thạnh cũng cho biết thêm, “Nhìn vô hình thì đúng là mặt của dân mình nhưng người nào người nấy trang phục, tóc tai và trang sức cứ giống nhau, na ná nhau. Có người mới nhìn vào tôi giật mình vì hoàn cảnh kinh tế mức trung bình thôi sao có “dây chuyền vàng tổ bố” đeo ở cổ. Nhìn kỹ lại thì thấy trong ảnh người nữ nào cũng có đeo dây chuyền to cả”.