Dân Việt

Dân bản vượt hàng trăm km đèo dốc đi hiến máu

Vương Tuấn 26/07/2016 11:07 GMT+7
“Để đến được ngày hội hiến máu này, tôi phải rời khỏi nhà từ lúc 4h sáng, vượt qua quãng đường dài gần 100km với nhiều đèo dốc hiểm trở.”, anh Thào A Páo chia sẻ.

Đây là lần đầu tiên Hành trình Đỏ đến với huyện miền núi Thuận Châu, Sơn La. Tại đây, phong trào hiến máu dù còn xa lạ nhưng mang lại niềm vui cho những người mong muốn được chia sẻ giọt máu cứu người.

Mặc dù khó khăn, hiểm trở về địa hình, nhưng dù ở bất cứ đâu, người dân vẫn luôn giàu có về lòng nhân ái. Điều này được ghi nhận ngay tại ngày hội hiến máu Mùa hoa Mận đỏ (Thuận Châu, Sơn La). 

img

Anh Thào A Páo (dân tộc Thái) vượt hàng trăm km đèo dốc để hiến máu

Anh Thào A Páo (dân tộc Thái) ở bản Huổi Pu, Chiềng Bốm, Thuận Châu, Sơn La chia sẻ: “Bản Huổi Pu nơi tôi ở giáp với Điện Biên Đông. Để đến được ngày hội hiến máu này, tôi phải rời khỏi nhà từ lúc 4h sáng, vượt qua quảng đường dài gần 100km với nhiều đèo dốc hiểm trở. Người dân bản tôi không được tiếp xúc với những hoạt động hiến máu như thế này. Đây là lần đầu tiên tôi nghe tới việc hiến máu, chính vì thế mà tôi đã có mặt ở đây ngày hôm nay”.

Anh Thào A Páo nói thêm: Sau lần tham gia hiến máu này mình sẽ đưa thông điệp hiến máu về với bản làng để bà con hiểu được hiến máu nhân đạo như thế nào. Mình hi vọng một ngày gần nhất sẽ dẫn được nhiều người đi tham gia hiến máu.

img

img

Người dân tộc Thái ở Thuận Châu, Sơn La mong muốn được chia sẻ giọt máu cứu người.

Cùng suy nghĩ với anh Thào A Páo, anh Giàng A Nỏ (dân tộc Mông) ở bản Pá Hốc, xã Co Tòng, huyện Thuận Châu, Sơn La chia sẻ: “Mặc dù phải vượt qua 70km đường rừng với 3 giờ chạy xe máy nhưng mình rất tự hào vì mình là người con đầu tiên của bản Pá Hốc được tham gia hiến máu. Khi đến đây, được các bạn tình nguyện viên tư vấn thì mình mới mới thực sự hiểu được ý nghĩa của việc hiến máu chứ ban đầu cũng chỉ đi theo sự vận động của chính quyền địa phương”.

Lãnh đạo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, từ những chia sẻ của anh Thào A Páo, anh Giàng A Nỏ, có thể thấy tiềm năng về hiến máu tình nguyện trong nhân dân, đặc biệt là bà con người dân tộc.

“Ban đầu họ có thể chưa hiểu nhưng nếu được tuyên truyền, vận động và biết được ý nghĩa của việc hiến máu cứu người thì chắc chắn họ sẽ tích cực tham gia hiến máu”, GS.TS.Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương chia sẻ.

Theo GS.TS. Nguyễn Anh Trí, việc đưa Hành trình Đỏ đến tuyến huyện là một trong những mục tiêu của Ban tổ chức Hành trình Đỏ 2016, qua đó để bà con nhân dân các vùng xa trung tâm cũng có cơ hội được tiếp cận và hiểu hơn về hoạt động hiến máu tình nguyện; đồng thời mở rộng đối tượng tham gia hiến máu, xây dựng lực lượng hiến máu dự bị nhằm đảm bảo an toàn truyền máu tại vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo”.

Bà Cầm Thị Chuyên - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Sơn La cho biết, người dân huyện Thuận Châu cũng trình độ dân trí không đồng đều, sự hiểu biết về phong trào hiến máu còn nhiều hạn chế. Hành trình Đỏ sẽ là cơ hội phong trào hiến máu nhân đạo lan tỏa tới người dân.

Cùng với nhiều ngày hội hiến máu lớn trong chuỗi ngày hiến máu của Hành trình Đỏ - 2016, ngày 25/7/2016, Hành trình Đỏ đã đến tỉnh Sơn La – địa phương thứ 23 của Hành trình vận động hiến máu xuyên Việt.

Tại đây, ngày hội hiến máu “Mùa hoa Mận đỏ” được tổ chức. Điều đặc biệt, ngày hội được tổ chức tại một huyện xa xôi cách trung tâm thành phố Sơn La hàng chục km, phải đi qua nhiều đoạn đường đèo núi, hiểm trở, đó là huyện Thuận Châu (Sơn La).

Mặc dù khó khăn, hiểm trở về địa hình, nhưng dù ở bất cứ đâu, người dân Việt Nam vẫn luôn giàu có về lòng nhân ái. Điều này được ghi nhận ngay tại ngày hội hiến máu Mùa hoa Mận đỏ (Thuận Châu, Sơn La).