Dân Việt

Thêm nhân chứng tố bị lừa đảo, “cưỡng ép” lao động ở Lâm Đồng

Ngọc Vũ 26/07/2016 12:17 GMT+7
Như Dân Việt hôm qua (25.7) đã phản ánh, vụ “lừa đảo lao động bằng phát tờ rơi” đang có những diễn biến mới, hé lộ một đường dây chuyên cưỡng ép người nghèo sa vào bẫy cùng với một chiêu thức…

Tịch thu CMND, điện thoại, bắt nhốt lao động

Không chỉ 4 lao động ở xã Hải Lệ (TX.Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) kêu cứu vì bị lừa bằng tờ rơi mà nhiều người khác cũng bị lừa bằng cùng một chiêu thức. Điều đặc biệt, trong trụ sở của các đối tượng bị tố lừa đảo còn có bộ quân phục công an.

Trò chuyện với PV Dân Việt vào chiều 25.7, anh L.A.T. (trú TX.Quảng Trị) kể, anh đọc được tờ rơi tuyển dụng lao động làm vườn, chăm sóc hoa ở TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng, sẽ tăng lương cao hơn theo thời gian làm việc, bao ăn ở. Nghĩ công việc phù hợp, lương khá cao nên ngày 15.6.2016 anh T. liên lạc với số điện thoại ghi trên tờ rơi.

img\

Căn phòng các lao động bị giam lỏng tại Lâm Đồng. Ảnh: Anh T. cung cấp

Cùng ngày, anh T. được người trên tờ rơi sắp xếp lên xe D.Y. vào huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng). Anh T. cùng hơn 10 người khác trên chuyến xe cùng được đưa đến công ty TNHH T.Đ.L (trụ sở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), chỉ cách nhà xe D.Y. khoảng 100 mét.

Trước khi bước vào cánh cổng công ty thì anh T. vẫn liên lạc được với người có số điện thoại ghi trên tờ rơi nhưng sau đó thì không còn liên lạc được nữa. “Khi vào công ty chúng tôi bị tịch thu chứng minh nhân dân, điện thoại, sau đó chúng hỏi người lao động đến thông qua số điện thoại nào. Tiếp đó chúng nói rằng ký hợp đồng lao động chỉ với mức lương 2-3 triệu đồng/tháng nên tôi không đồng ý thì bị nhốt vào căn phòng nhỏ, có người canh giữ gắt gao” – anh T. kể.

img

Trụ sở công ty T.Đ.L, nơi anh Nhãn và anh T. bị đưa đến. Ảnh: Anh T. cung cấp

Anh T. cho hay, khi bước vào công ty, đập vào mắt anh là bộ quân phục công an như kiểu thị uy. Sau một thời gian, các đối tượng trong công ty yêu cầu anh T. nộp 1,6 triệu đồng mới thả về. Sau đó, vợ anh T. đã phải chuyển tiền vào một số tài khoản của chúng thì anh T. mới thoát nạn. “Có một anh tên Đệ, quê ở Quảng Bình cùng bị lừa như tôi. Anh Đệ xin chúng đem điện thoại bán lấy tiền nộp để được thả nhưng chúng không đồng ý. Từ đó đến nay tôi nhiều lần gọi điện nhưng vẫn chưa liên lạc được với anh Đệ, không biết giờ anh ấy sao rồi” – anh T. lo lắng.

Công an đang tiến hành xác minh

Trước đó, anh Nguyễn Đắc Nhãn (SN 1985, trú xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) cũng trình báo với cơ quan chức năng việc bị lừa cùng chiêu thức như trên. Anh Nhãn cho biết cuối tháng 4.2016 khi đang làm việc tại TP.Đông Hà (Quảng Trị) thì nhận được tờ rơi của Công ty TNHH H.V (số 4, Trần Hưng Đạo, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) tuyển lao động làm vườn tại Đà Lạt với mức lương 6 triệu đồng/tháng, bao ăn ở… Trên tờ rơi có ghi số điện thoại 0989179... của người tên Tuấn. Nhận thấy mức lương cao nên anh Nhãn đã liên lạc với Tuấn.

Ngày 3.5.2016 anh Nhãn được T sắp xếp cho lên xe khách đón tại TP.Tam Kỳ đi vào Lâm Đồng. Anh Nhãn cùng nhiều người khác cũng bị đưa đến công ty TNHH T.Đ.L và được thông báo phải làm việc thời vụ, tiền công cao nhất chỉ 120.000 đồng/ngày. Biết bị lừa, anh Nhãn và nhiều người khác không chịu làm việc thì bị giam lỏng, có người canh giữ và buộc phải nộp đủ 1,6 triệu đồng mới thả. Theo anh T. và anh Nhãn thì có hàng trăm người bị lừa chứ không phải con số nhỏ.

Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 25.7, anh Hồ Đức Tân (SN 1993, trú thôn Tích Tường, xã Hải Lệ, TX.Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) trình báo rằng, em trai của anh là Hồ Quang Đạt (SN 1996) cùng 3 người bạn là Hồ Xuân Cường (SN 1987), Phạm Bá Hợp (SN 1999) và Võ Thanh Tú (SN 1996) đọc được tờ rơi tuyển nhân viên làm vườn, chăm sóc hoa đề tên Công ty Cổ phần H.V (đường Trần Hưng Đạo, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng; trên tờ rơi có số điện thoại 0987193... của người tên T. Sau khi liên lạc với Tuấn, cả 4 người được hứa hẹn mức lương cao, làm việc tốt nên hồi 15 giờ ngày 22.7, cả 4 người trên đã lên xe khách do Tuấn thuê (bao 1 bữa ăn) đi vào Lâm Đồng. 4 lao động trên đã bị lừa với cùng một chiêu thức. Hiện nay, anh  Phan Bá Hợp đã được thả sau khi gia đình anh nộp 2,6 triệu đồng cho các đối tượng “lừa đảo”.

Thượng tá Nguyễn Minh Chiến – Trưởng Công an Thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) cho biết, đang phối hợp với Công an TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) tiến hành xác minh thông tin 4 lao động trên bị lừa đảo. Dân Việt và Nông thôn Ngày nay tiếp tục phản ánh sự việc…