Dân Việt

Số người mắc sốt xuất huyết tăng gấp 3 lần đỉnh dịch năm 2015

Diệu Thu 26/07/2016 15:05 GMT+7
Do muỗi đốt, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 44.859 người mắc sốt xuất huyết trong đó 14 người tử vong.

img

Do muỗi đốt, số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện tăng vọt.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế vừa cho biết, trong tháng 7, cả nước ghi nhận 5.561 trường hợp mắc, 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 44.859 trường hợp mắc tại 46 tỉnh, thành phố, trong đó có 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2015, số mắc tăng 2,6 lần trong khi đó, năm 2015 được coi là đỉnh của bệnh sốt xuất huyết với gần 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế yêu cầu thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, phun hóa chất 100% các hộ gia đình tại các ổ dịch và xác định các điểm nóng để tập trung nguồn lực, giải quyết triệt để, bảo đảm không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh khi điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, tránh trường hợp bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, dẫn đến tình trạng khi nhập viện thì đã nặng, nguy cơ tử vong cao.

ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới. Do vậy với người dân nên đến bệnh viện sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ, không nên chủ quan, đặc biệt những trường hợp đã mắc vẫn có thể tái mắc.

Người dân cũng lưu ý các triệu chứng mắc bệnh sốt xuất huyết như: Sốt cao, 39-40 độ C liên tục trong 3-4 ngày; Người mệt mỏi, phát ban, buồn nôn; Xuất huyết dưới da, nổi chấm màu đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Đối với phụ nữ có thể rong kinh; Đau bụng, nôn ói…; Mệt, li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít, đi cầu ra máu. Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt…

Tính đến thời điểm này, ổ dịch bạch hầu tại Bình Phước đã khiến 59 trường hợp mắc bệnh, 3 người tử vong. Số người mắc trong độ tuổi từ 3 đến 66 tuổi. Số mắc tập trung cao từ ngày 2/7 đến 13/7, trung bình 4-5 trường hợp/ngày. Hiện tại vẫn còn 39 trường hợp đang điều trị tại các Bệnh viện. Bộ Y tế sẽ cam kết, dập dịch bạch hầu trong thời gian sớm nhất.