Chỉ biết qua báo chí (?!)
Trao đổi với phóng viên NTNN ngày 26.7, ông Võ Văn Thắng – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cho biết: Đến thời điểm này vẫn chưa nhận được thông tin nào từ cơ quan quản lý cấp trên đề xuất với Chính phủ cho ngưng triển khai Dự án nhà máy Bột giấy tẩy trắng có công suất 330.000 tấn/năm. “Tôi chỉ biết thông tin qua báo chí thôi chứ chưa nhận được ý kiến chính xác từ Bộ Công thương. Nếu có đề xuất như báo đưa và được thông qua thì về phía Sở cũng đồng ý, làm theo thôi” – ông Thắng nói.
Cũng liên quan đến thông tin trên, trưa cùng này, ông Hồ Văn Phú – Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hậu Giang cho biết, vẫn chưa nhận được thông tin gì từ Bộ Công thương.
Nhà máy Giấy sắp đi vào hoạt động (ảnh HUỲNH XÂY).
Theo thông tin một số cơ quan báo chí đăng tải vài ngày qua, Bộ Công thương cho rằng, nguyên nhân yêu cầu ngưng dự án trên là vì vùng ĐBSCL có địa hình thấp, hệ thống sông ngòi đan xen nên không phù hợp khi trồng cây nguyên liệu giấy và việc sản xuất bột giấy từ gỗ phải dùng nhiều hóa chất nên nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất lớn.
Ngoài ra, khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án, UBND tỉnh Hậu Giang đã không xin ý kiến của Bộ Công nghiệp lúc đó (nay là Bộ Công thương). Hơn nữa, việc thẩm định thiết kế cơ sở đối với dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của Bộ Công nghiệp nhưng trong quá trình triển khai, bộ chưa nhận được hồ sơ của chủ đầu tư đề nghị thẩm định thiết kế cơ sở của dự án.
Liên quan đến thông tin trên từ Bộ Công thương, nhiều nhà khoa học và người dân vùng ĐBSCL bày tỏ thái độ vui mừng. Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đại diện người dân, doanh nghiệp nuôi thuỷ sản cho biết: VASEP đã có nhiều kiến nghị kiểm tra về dự án này. Sau đó, nhiều bộ ngành, kể cả Chính chủ đã vào cuộc chỉ đạo rất kịp thời.
Còn Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cũng nhận định: Đề xuất của Bộ Công thương là một động thái tích cực. Tuy nhiên, Thạc sĩ Thiện cũng yêu cầu cần làm rõ các thông tin về nguyên liệu, hoá chất xử lý tại dự án Nhà máy Giấy (có công suất 420.000 tấn/năm) đang được triển khai.
Trễ hạn còn xin giãn tiến độ
Theo phóng viên tìm hiểu, đến nay, dự án mà Bộ Công thương yêu cầu ngừng triển khai trên thực chất chưa được xây dựng, nơi đây chỉ mới thực hiện được khâu giải phóng mặt bằng, đóng cọc mặc dù so với giấy chứng nhận đầu tư của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang cấp, dự án phải được tiến hành xây dựng vào tháng 10.2013 và đến tháng 12.2015 hoàn thành, đưa vào hoạt động. Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang, trước thực trạng trễ hạn trên, Công ty TNHH Nhà máy Bột giấy Lee&Man Việt Nam đã xin gia hạn đến tháng 5.2017 tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động vào tháng 8.2018. Hiện đề xuất này đang được cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang xem xét, giải quyết. “Chúng tôi đang xem xét đề xuất xin giãn tiến độ dự án Nhà máy Bột giấy. Tuy nhiên, chúng tôi có thể giải quyết theo hướng không cho giãn tiến độ vì đã trễ hạn quá lâu so với tiến độ đăng ký” – ông Nguyễn Ngọc Điện – Phó Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang thông tin với phóng viên ngày 26.7.
Trong khi đó, theo Điều 46, Luật Đầu tư năm 2014 thì dự án trên được gia hạn tiến độ nhưng tổng thời gian giãn tiến độ đầu tư không quá 24 tháng, tức chỉ được gia hạn tối đa đến tháng 12.2017. Theo đó, phía công ty xin gia hạn đến 32 tháng (đến tháng 8.2018) mới đưa dự án vào hoạt động là vượt quá thời gian cho phép.
Nguyên nhân trễ hạn mà Công ty Giấy Lee & Man đưa ra với ngành chức năng tỉnh Hậu Giang là lo tập trung toàn bộ nguồn lực vào dự án Nhà máy Giấy (xây dựng dây chuyền sản xuất giấy, mục tiêu đưa nhà máy này vào hoạt động vào quý III.2016).
Dự án Nhà máy sản xuất Bột giấy trên cùng với dự án Nhà máy Giấy được triển khai xây dựng tại Khu công nghiệp tập trung huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang (nằm cạnh sông Hậu). Ban đầu, 2 dự án trên có diện tích khoảng 200ha, nay đã giảm xuống còn 82,8ha. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 348,7 triệu USD và có diện tích xây dựng hơn 40 ha. |