Dân Việt

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Cả đời làm nông nghiệp

Lê Hân 28/07/2016 11:49 GMT+7
Sáng nay (28.7), Quốc hội đã chính thức phê chuẩn 26 thành viên Chính phủ, trong đó duy nhất vị trí Bộ trưởng Bộ NNPTNT có sự thay đổi. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Cường - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT chính thức trở thành Tư lệnh mới của ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Cường sinh năm 1959, tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Vốn xuất thân từ gia đình nông dân, ông Cường đã chọn theo học ngành nông nghiệp và có trình độ chuyên môn là kỹ sư nông nghiệp.

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và tân Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (bên phải ảnh) trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng nay. (Nguồn: VNE)

Trong cả quá trình công tác của mình, ông Cường đã trải qua hàng loạt vị trí từ cơ sở như: Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây; Phó Giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây; Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật cây trồng huyện Đan Phượng; Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây; Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Tây; Trưởng phòng kỹ thuật Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Hà Tây; Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Tây; Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tây; Bí thư Huyện uỷ huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây.

Sau đó, ông lần lượt giữ các vị trí cao hơn là: Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây; Chủ tịch  Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây (từ tháng 6.2006 đến tháng 7.2008). Khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội (năm 2008), ông được phân công làm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đến tháng 5.2010. Sau đó, ông được phân công làm Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn trong thời gian từ tháng 5.2010 đến tháng 1.2013. Từ tháng 1.2013 đến 12.2015, được phân công làm Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư. Từ tháng 12.2015 đến khi được bầu làm Bộ trưởng Bộ NNPTNT, ông giữ chức vụ là Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT.

Đã có nhiều lần tiếp xúc với ông Nguyễn Xuân Cường, cảm nhận của tôi ông là người khá gần gũi, bình dị. Trong chuyến đi công tác tại Bắc Kạn, khi đó ông đang làm Bí thư Tỉnh ủy, chúng tôi có tới gặp phỏng vấn ông. Sau cuộc phỏng vấn, đích thân ông đã mời chúng tôi về ăn cơm “nhà bếp” với ông và thư ký của ông tại khu nhà công vụ của Tỉnh ủy Bắc Kạn. Bữa cơm của ông khá đơn giản với thịt luộc, rau xào, lạc rang. Rồi ông kể: "Từ hồi lên đây, bà xã tôi tuần nào cũng gửi lạc rang, cá khô và mấy đồ ở quê lên. Tôi chỉ thích ăn những đồ mang hương vị quê đơn giản như thế".

Đó là chuyện sinh hoạt, còn trong công việc, ông Cường luôn tỏ ra dứt khoát. Hồi ông mới được phân công lên Bắc Kạn làm Bí thư Tỉnh ủy, cả tỉnh đang ngổn ngang với việc phát triển công nghiệp, khai khoáng hay phát triển nông nghiệp, thì ông Cường đã dứt khoát chọn việc phát triển nông nghiệp. Bởi theo ông, định hướng phát triển kinh tế chủ yếu của Bắc Kạn nay đã được xác định rõ ràng là nông nghiệp, một hướng đi có lẽ là “đơn giản”, nhưng phù hợp với vùng đất này. Mà nói như ông Cường là hoàn toàn có thể thoát nghèo và giàu lên được.           

Ngay lập tức, ông Cường bắt tay vào việc đẩy mạnh trồng rừng, từ đó giúp Bắc Kạn trở thành một trong những địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước. Trong đó, rất nhiều diện tích rừng đã được quy hoạch thành rừng kinh tế để phục vụ cùng lúc 2 mục tiêu: Nâng độ che phủ rừng và giúp người trồng rừng có thu nhập để gắn bó với rừng.

Thời kỳ đó, ông Cường cũng cho khởi động chương trình trồng dong riềng trên diện rộng. Rồi thúc đẩy trồng lúa thuần, cải thiện và thay đổi tập quán chăn nuôi của bà con. Đặc biệt, ông Cường đã chủ trương tạm dừng khai thác khoáng sản trên địa bản tỉnh - vấn đề nóng bỏng và rất nhức nhối lúc bấy giờ.

Trải qua nhiều vị trí khác nhau, trước khi được bầu giữ cương vị là Bộ trưởng Bộ NNPTNT, ông Cường đã từng chia sẻ với tôi: Quan điểm trong chỉ đạo, điều hành ngành nông nghiệp hiện nay là phải hành động. Trong đó, có hai nhiệm vụ lớn mà cá nhân ông và ngành sẽ tiếp tục thực hiện, đó là Tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới; Toàn ngành tập trung vào thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó sẽ xác định xây dựng một số sản phẩm (cây, con) chiến lược của ngành như: Tôm, rau quả, cây công nghiệp, lợn, bò...