Dân Việt

Có ai cảnh báo bạn trước khi ra đường trong cơn bão sáng nay?

Chính Quân 28/07/2016 19:56 GMT+7
Không biết đến khi nào, khi muốn tránh thiên tai, địch hoạ, thực phẩm bẩn, hiểm nguy,... chúng ta không phải bấu víu vào những mẩu tin kiểu "các mẹ ơi" trên facebook…

Ảnh hưởng của cơn bão số 1, dự báo Hà Nội có gió giật cấp 7-8. Nhưng thực tế, không biết với sức gió giật cấp nào, “cơn bão” sáng nay ở Hà Nội đã quật đổ hàng trăm cây cối, hất tung bao xe máy và làm khổ bao nhân viên công sở nhọc nhằn trên đường mưu sinh...

Cũng như tất cả những trận lụt lịch sử khủng khiếp đã từng xảy ra, khi thiên tai quần thảo như thế, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của sự cảnh báo chính thống từ chính quyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay từ chính những con người mà đáng lẽ họ bắt buộc phải có trách nhiệm thông báo rằng những khu vực nào nguy hiểm, người ta có được quyền nghỉ học, nghỉ làm vào những ngày như thế này hay không?

Báo hại người dân hoang mang không biết nên tới sở làm hay nghỉ, đưa con đi học hay thôi, vì không có ai, đồng nghiệp, trưởng phòng, lãnh đạo nào của họ báo cho họ một câu, rằng ngoài kia quá nguy hiểm, anh hay chị nên ở nhà thì hơn. Hoặc cũng có thể mưa bão như thế này là thường và số người chết vì mưa bão so với người chết bởi tai nạn giao thông bằng thế quái nào được, mà giờ, thậm chí người ta còn chẳng buồn quan tâm xem hàng ngày sao lắm người chết nữa là…

img

Phố Chùa Láng cây đổ la liệt, xà hẳn xuống đường khiến người dân di chuyển khó khăn. Ảnh: Đàm Duy

Thế nên, hôm nay nếu có ai bỏ mạng bởi ra đường mà cây đổ dây điện rơi, hay ai lỡ rơi xuống ống cống mất nắp trong cơn lụt thì ấy là chuyện của số phận, may ra thì cái tin ấy sẽ được đưa một cách bình thản trên một vài tờ báo lớn?

Lại phải so sánh, chuyện cách đây có 1 tháng thôi, triển lãm xe của đối tác, trời nắng chang chang vỡ đầu, CEO của công ty lớn ở Nhật vốn hơn 3 tỷ Đô mồ hôi mồ kê nhễ nhại long tong đi phát tờ rơi, các loại ban bệ khác từ lớn tới trung loanh quanh lo toàn mấy việc nhọc nhằn trong các nắng nóng đầu hè. Phởn phơ chỉ có bọn nhân viên tôm tép đi dạo ngắm xe mà thôi.

Phàm là lãnh đạo xứ này bổng lộc chả mấy (lương cùng lắm gấp đôi ba thằng nhân viên quèn) mà trách nhiệm thì nhiều. Lãnh đạo càng cao càng "khổ". Đọc sách cũng phải ôm chục quyển rồi viết review hầu hạ mới dám bắt bọn nhân viên đọc. Hễ công ty có sự vụ gì lớn bé là phải chường cái mặt ra đầu tiên.

img

Trên phố Núi Trúc, cây xà cừ đổ đè ôtô, rất may không có thiệt hại về người.  Ảnh: Đàm Duy

Hoạt động cộng đồng ư, tình nguyện ư, cũng là lãnh đạo đi tiên phong dậy từ tinh mơ đi nhặt rác. Chưa kể còn đau đáu những giấc mơ cách tân, cải tiến khốc liệt bắt đầu từ những ngóc ngách nhỏ nhất trong nhân tâm con người tới toàn hệ thống, vì xã hội biến đổi không ngừng, không thay đổi là đào thải.

Động đất thiên tai thì sao? Từ cấp trưởng phòng đã phải ngồi nghe ngóng để thông báo chỉ thị nhân viên đi làm hay không. Trách nhiệm với công việc bao gồm cả trách nhiệm đối với rất nhiều người khác, chứ không phải ở tạo ra cái gì, kiếm được bao tiền.

Khủng bố ở Nice ư, lại cũng lãnh đạo lật đật mail toàn hệ thống "huỷ hết công tác có đi ngang qua Pháp nhé, các nhân viên ở Châu Âu phải làm abcdxyz để bảo toàn tính mạng nhé". Trách nhiệm với công việc bao gồm cả trách nhiệm đối với rất nhiều người khác, chứ không phải ở tạo ra cái gì, kiếm được bao tiền.

Ngẫm không biết đến khi nào, khi muốn tránh thiên tai, địch hoạ, thực phẩm bẩn, hiểm nguy,..., chúng ta không phải bấu víu vào những mẩu tin  kiểu "các mẹ ơi" trên facebook…

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.