“Bài học về dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã minh chứng cho chúng ta thấy rằng làm ăn với Trung Quốc, nếu như chúng ta không thận trọng thì chỉ có lỗ thôi. Đó là chưa nói, khi ta làm con đường này, thì chúng ta phải tính toán lợi của chúng ta, lợi của Trung Quốc”, đại biểu Vân khuyến nghị.
Theo đại biểu Vân, việc huy động vốn cho hạ tầng giao thông hiện nay là rất cần thiết, nhưng không nhất thiết phải vì việc chúng ta cần vốn mà ta huy động bằng mọi giá, bất chấp cả an ninh quốc phòng, bất chấp cả môi trường, bất chấp cả phát sinh tiêu cực trong sử dụng vốn.
“Câu hỏi đặt ra vì sao Trung Quốc lại sốt sắng đầu tư cho chúng ta? Vì sao tuyến đường đấy lại được Trung Quốc chào đón như vậy? Theo tôi cần phải tính toán lợi cả hai bên. Về phía Trung Quốc, đây là dịp để họ vươn bàn tay về giao thông, đưa hàng hóa của họ vào ta nhanh hơn, thu gom hàng hóa của ta về họ nhanh hơn”, đại biểu Vân quan ngại.
Nhưng điều quan trọng, làm với Trung Quốc hãy đem bài học dự án đường sắt cao tốc Cát Linh – Hà Đông xem. Lúc đầu họ chào mời giá rẻ, sau đó thì tìm đủ mọi cách để làm tăng vốn đầu tư lên.
“Ở dự án 7.000 tỷ đồng này, tôi không những không đề cập đến chuyện ấy mà còn nói đến điều kiện ràng buộc của bên Trung Quốc. Khi họ cho vay thì nào là công nghệ, nào là vật liệu… đều là của họ, chúng ta làm sao kiểm soát được. Bài học nhãn tiền của đường sắt Cát Linh – Hà Đông thì giờ gần đội vốn lên gấp đôi rồi. Tôi đề nghị Chính phủ phản hết sức thận trọng vấn đề này, cá nhân tôi là không đồng ý”, đại biểu Vân bày tỏ quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng vay vốn ODA thì vay của nước nào cũng giống nước nào vì thường lãi suất thấp.
“Vay ODA thì không phân biệt tiền đến từ đâu mà quan trọng hơn là tiền đầu tư vào trong đất nước chúng ta như thế nào. Theo đó, chúng ta phải xử lý, quản lý, sử dụng nguồn vốn này cho hiệu quả để có lợi nhất cho đất nước, tránh trường hợp như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông hay dự án xe buýt nhanh Hà Nội”, đại biểu Kiên phân tích.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội
Ông Kiên cho biết vốn vay ODA thường có những điều kiện đi kèm như chỉ định nhà thầu của họ, mang người của họ sang làm… Điều này phải do cơ quan tiếp nhận vốn ODA này đàm phán hợp đồng.
Ông Kiên cho rằng thời điểm này chưa có nhà đầu tư nào khác ngoài nhà đầu tư Trung Quốc cho Việt Nam vay vốn ODA. Tuy nhiên chúng ta cũng còn có các phương án lựa chọn khác.
“Lựa chọn vay vốn ODA Trung Quốc chỉ là 1 trong 3 lựa chọn. Khả năng huy động vốn trong nước hiện rất hạn hẹp, dư địa để làm là có giới hạn, thế nên phải cân đối lại các khả năng đó. Cũng có thể chúng ta lùi, giãn tiến độ triển khai dự án, hoặc cũng có thể chúng ta đi vay một khoản của Ngân hàng thế giới hay ADB… Có nhiều phương án song tất cả phải nghiên cứu, cân nhắc để đưa ra quyết định cuối cùng, lựa chọn được phương án có lợi nhất cho đất nước”, ông Kiên phân tích.
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng, đoàn Cà Mau, cũng cho rằng việc cho vay của nước nào không quá quan trọng, mà mình vay như thế nào, lãi suất làm sao, các điều kiện đi vay thế nào. Cái điều kiện khi vay thì có bị lệ thuộc gì không thì mình phải cân nhắc.
“Không chỉ là vay Trung Quốc, mà với bất kỳ nước nào, thì cũng phải xem các điều kiện đi kèm như thế nào. Ta không nhất thiết phải đi vay bằng mọi giá, thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà chúng ta có thể tính xem các yếu tố có ảnh hưởng đến quyền lợi chúng ta bị thiệt hại hay không, người dân ta được lợi gì không”, đại biểu Hoàng nhấn mạnh.