Dân Việt

Nộp hồ sơ cách nào dễ vào đại học?

Quang Anh 30/07/2016 06:19 GMT+7
“Thí sinh cần xem kỹ phổ điểm, căn cứ vào điểm thi và sở thích để chọn ngành, chọn trường đăng ký xét tuyển cho phù hợp. Năm nay, thủ tục xét tuyển đại học đã có nhiều thay đổi, thí sinh cần lưu ý những quy định mới để tránh mất quyền lợi, thậm chí trượt oan”, PGS. TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ.

Coi chừng mất quyền lợi vì “tham”

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong kỳ xét tuyển vào đại học đợt 1, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Thí sinh đăng ký xét tuyển ở nhóm GX sẽ được đăng ký tối đa 4 trường (mỗi trường 1 nguyện vọng), theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Nếu thí sinh đăng ký 3 trường thì 1 trường đăng ký 2 nguyện vọng và 2 trườngcòn lại đăng ký 1 nguyện vọng/trường. Hoặc đăng ký 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng và các trường cũng không công bố danh sách, điểm thi của các thí sinh.

Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, năm 2016, Bộ GD&ĐT có sự điều chỉnh bằng cách rút ngắn thời gian xét tuyển. Theo đó, thời gian đăng ký ở các đợt xét tuyển chỉ còn 12 ngày đợt 1 và 10 ngày ở các đợt bổ sung. Do đó, thí sinh cần hết sức cân nhắc trước khi đăng ký nộp hồ sơ. Mỗi thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng 3 cách (qua đường bưu điện, nộp trực tuyến, hoặc tại trường) việc lựa chọn cách thức nào cũng nên được cân nhắc, thí sinh cần tìm hiểu cho kỹ vì mỗi cách thức sẽ có điểm khác nhau. Thông tin hướng dẫn cho thí sinh đều nằm trên trang thông tin của các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ thí sinh cần tham khảo trước khi đăng ký xét tuyển.

img

PGS.TS Trần Văn Nghĩa tư vấn xét tuyển, chọn trường cho các thí sinh kỳ tuyển sinh đại học năm 2016. Ảnh: Q.Anh

PGS.TS Trần Văn Nghĩa cũng lưu ý, một số thí sinh láu cá muốn “lách luật” nộp cả ba hình thức nói trên để có cơ hội vào nhiều trường. Tuy nhiên, các trường đại học lại chỉ được nhập dữ liệu lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ là 2 trường cho 1 thí sinh. Do đó, hai trường thí sinh đã cập nhật trước sẽ được hệ thống công nhận vì thế thí sinh cũng chỉ có tối đa các nguyện vọng và trường dự tuyển theo đúng quy định của từng đợt. Thí sinh không nên dùng cách này, thường chỉ các trường đại học “tốp dưới” muốn tuyển nhanh sẽ nhập dữ liệu sớm, như vậy thí sinh đã tự làm mất đi cơ hội của mình.

“Trong lịch xét tuyển năm 2016, sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển, thí sinh phải xác nhận với trường mình trúng tuyển là có nguyện vọng học bằng cách nộp cho trường bản chính của giấy chứng nhận kết quả thi (mỗi thí sinh chỉ được cấp 1 bản chính). Các thí sinh chỉ trúng tuyển một trường cũng phải đăng ký xác nhận nhập học. Nếu thí sinh nào không nộp giấy báo điểm thì nhà trường coi như em không học và sẽ hủy kết quả trúng tuyển”, PGS. TS Trần Văn Nghĩa chia sẻ thêm.

Cách chọn trường an toàn

Lưu ý các thí sinh trong thời điểm xét tuyển vào đại học, PGS.TS Trần Văn Nghĩa cho biết, những điểm quan trọng đối với từng thí sinh của mùa tuyển sinh năm nay đó là phải căn cứ vào những ngành nào yêu thích, sau đó căn cứ vào kết quả thi, so sánh điểm trúng tuyển của các ngành đó với năm trước rồi quyết định làm sao cho phù hợp nhất. Vì thông thường, điểm chuẩn của các ngành theo từng năm sẽ không có quá nhiều biến động.

Với kinh nghiệm của mình, PGS.TS Trần Văn Nghĩa xác định cơ hội trúng tuyển có thể nằm “trong tay” thí sinh nếu biết tự phân tích, so sánh và đặc biệt là cách thức nộp hồ sơ sao cho đúng quy định. Đặc biệt, quy định cho phép thí sinh có cơ hội vào 2 trường và 4 ngành tuyển (đợt I), thí sinh nên sử dụng 4 nguyện vọng trong 2 trường để chọn ngành có cơ hội trúng tuyển cao.

Ngoài ra, thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm bởi với chỉ tiêu tuyển sinh, số trường nhiều như vậy thí sinh hoàn toàn có nhiều cơ hội trúng tuyển, ngay kể cả những thí sinh điểm ngang hoặc cao hơn điểm sàn một chút. Thí sinh căn cứ vào điểm thi của mình, nếu điểm cao thì trúng tuyển vào “top trên”, điểm khá vào trường trung bình, sát sàn thì vào trường “top dưới”… miễn là thí sinh tỉnh táo lựa chọn đăng ký trường phù hợp với điểm thi và sở trường của mình. Thông tin tuyển sinh của các trường rất rõ ràng, thí sinh dựa vào đó để lựa chọn.

Để đăng ký xét tuyển an toàn, khả năng đỗ cao, PGS.TS Trần Văn Nghĩa chia sẻ: “Để chắc ăn, thí sinh căn cứ điểm chuẩn của năm ngoái, liệt kê danh sách các trường tương đương điểm năm ngoái theo sở thích, trong 4 nguyện vọng chọn những ngành rất thích nhưng điểm hơi cao, mỗi ngành thấp hơn 1 tý, khoảng cách điểm giữa các nguyện vọng càng cách xa nhau càng an toàn. Mỗi một nguyện vọng sẽ là một cơ hội riêng của thí sinh, do đó chọn lựa theo mức giảm dần sẽ làm tăng cơ hội của thí sinh để trúng tuyển”.

Ngày 28/7, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã họp tư vấn cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT điểm sàn các khối vào trường ĐH năm 2016. Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH hệ chính quy là 15 điểm, áp dụng chung cho các khối A, A1, B, C và D. Các trường căn cứ tình hình thực tế công bố công khai chỉ tiêu, điểm nhận hồ sơ vào các ngành đào tạo với từng ngành xét tuyển. Việc công bố thông tin được thực hiện trước ngày 1/8.