Khung cảnh hoang tàn ở Thành phố Thái Bình sau khi cơn bão số 1 đi qua
Chiều 29.7, trao đổi với PV, ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, bão số 1 sau khi đổ bộ vào đất liền đã gây thiệt hại nặng nề trên toàn tỉnh. Hiện tại, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn mất điện. Lãnh đạo UBND tỉnh đang xuống các địa phương chỉ đạo công tác khắc phục sự cố sau bão.
Theo thống kê sơ bộ, không có trường hợp tử vong do bão nhưng ước tính khoảng 50 ngàn hecta lúa, hoa màu bị nhấn chìm, hàng ngàn hecta thủy sản bị ảnh hưởng, hàng trăm cột điện bị gãy đổ, toàn tỉnh bị mất điện.
Nhiều cây gãy đổ, bật gốc xuống đường ở thành phố Thái Bình
Đèn giao thông bị gió giật bung khỏi cột tại Thái Bình
Đến thời điểm hiện tại, thành phố Thái Bình đã có điện, các huyện khác cũng được cấp điện trở lại. Tuy nhiên, một số trạm bơm vẫn đang mất điện do cột điện bị gãy.
Ông Xuyên khẳng định: “Dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương về cơn bão số 1 là không chính xác, không đúng với thực tế. Vì trên thực tế lượng mưa ở TP Thái Bình lên đến 300mm, sức gió đo được tại cửa biển Ba Lạt (giữa Thái Bình và Nam Định) gió giật trên cấp 15”.
Những vườn chuối đổ gục sau khi cơn bão số 1 đi qua
Gió mạnh đã xé cây mít ra làm 3
Hàng trăm quả bưởi đang độ lớn bị gió giật rụng khắp đường.
Bão số 1 đổ bộ vào Thái Bình đã khiến người dân bất ngờ với sức gió của nó. Ông Nguyễn Công Triển (Đông Hưng, Thái Bình) cho biết: “Trưa 27.7, tôi xem dự báo thời tiết, được biết cơn bão số 1 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8. Với sức gió này tôi nghĩ cũng như mọi năm nên không đề phòng”.
“Vào 16h ngày 27.7, gió bắt đầu mạnh lên kèm theo mưa. Bão mạnh quá khiến chúng tôi bất ngờ và trở tay không kịp. Sáng 28.7, khung cảnh hoang tàn đã hiện ra trước mắt tôi, bão đã giật tung hết nóc chuồng gà, bếp. Ngoài ra, gần nửa hecta cây ăn quả cũng bị bão làm tan nát hết cả” – ông Triển chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thành (Tiền Hải, Thái Bình) cho hay: “Sức gió của cơn bão số 1 quá lớn, tôi ở trong nhà nghe tiếng gió thổi ầm ầm, tiếng va đập của các đồ vật quanh nhà mà không ngủ được. Các cây ăn quả nhà tôi đã bị bão tàn phá, gãy cành, rụng quả, ruộng lúa thì vẫn đang bị ngập. Mùa màng năm nay coi như mất trắng”.
Trong bản tin 17h ngày 27.7 trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Trong 3-12 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4h ngày 28.7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9. Do ảnh hưởng của bão sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-11, biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9. |