Nghị định này đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai các Nghị định có liên quan trước đây.
Trong Nghị định 46, cơ quan soạn thảo cho rằng việc quy định chế tài xử phạt đảm bảo nguyên tắc tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi vi phạm. Đồng thời bảo đảm tính hợp lý, thống nhất giữa các điều khoản của Nghị định, có tính răn đe và khả thi khi thực hiện.
Dân Việt xin được điểm một số hành vi vi phạm quy định trong Nghị định 46 được tăng nặng mức xử phạt so với Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP:
Say rượu lái xe bị phạt đến 18 triệu đồng
Người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc 0,4mg/1lít khí thở sẽ bị xử phạt đến 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 4 – 6 tháng. Trong Nghị định cũ, hành vi tương tự bị xử phạt cao nhất 15 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.
Đối với người điều khiển xe gắn máy, mức phạt cao nhất khi vi phạm nồng độ cồn như trên là 4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3 – 5 tháng. Mức phạt cũ là phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.
Say rượu lái xe bị phạt đến 18 triệu đồng.
Đi bộ vào đường cao tốc bị phạt 200 nghìn đồng
Mức phạt đối với người đi bộ vào đường cao tốc sẽ tăng lên tối đa 600 nghìn đồng so với mức 100 nghìn đồng như trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Đồng thời, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc cũng sẽ bị xử phạt đến 1 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.
Đi bộ vào đường cao tốc bị phạt 200 nghìn đồng
Theo quy định cũ, người điều khiển xe máy bị phạt tối đa 400 nghìn đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
Đối với phương tiện ô tô, nếu không tuân thủ quy định về dừng, đỗ, quay đầu, lui xe trên đường cao tốc có thể bị xử phạt đến 6 triệu đồng. Trong trường hợp gây tai nạn giao thông sẽ chịu hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 2 – 4 tháng.
Lái xe quá tốc độ bị tước giấy phép lái xe đến 5 tháng
Quy định ở nhóm hành vi vi phạm tốc độ vẫn giữ nguyên mức phạt tiền tối đa đến 8 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe ô tô vượt quá 35km/h, tuy nhiên mức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thể tăng đến 5 tháng. Vi phạm tốc độ dưới 35km/h cũng bị áp dụng các chế tài xử phạt bổ sung khác nhau.
Đối với người điều khiển xe gắn máy, mức phạt tiền nếu vi phạm trên 20km/h tăng tối đa đến 4 triệu đồng so với mức 3 triệu đồng trước đây. Đồng thời, người vi phạm cũng có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.
Lái xe quá tốc độ bị tước giấy phép lái xe đến 5 tháng
Chở quá tải bị phạt cao nhất 64 triệu đồng
Hành vi chở hàng quá tải được quy định mức xử phạt tăng nhiều nhất đối với cả tài xế và chủ phương tiện. Hành vi này được chia làm hai nhóm chở hàng vượt trọng tải theo giấy chứng nhận kiểm định và chở quá tải cầu, đường.
Đối với nhóm hành vi chở quá tải theo giấy chứng nhận, tài xế chở quá tải 150% có thể bị phạt đến 12 triệu đồng và tước giấy phép lái xe đến 5 tháng. Chủ phương tiện là cá nhân có thể bị phạt đến 20 triệu đồng và phạt đến 40 triệu đồng nếu là tổ chức.
Chở quá tải bị phạt cao nhất 64 triệu đồng
Mức xử phạt càng cao hơn đối với hành vi chở quá tải trọng cầu, đường. Theo đó, tài xế sẽ bị xử phạt đến 16 triệu đồng nếu chở quá tải trên 150% và tổ chức sở hữu xe chở quá tải có thể bị phạt 64 triệu đồng.
Bên cạnh đó, việc không chấp hành kiểm tra tải trọng, không hợp tác với người thi hành công vụ, cố tình không rời khỏi phương tiện để trốn tránh việc kiểm tra cũng sẽ bị xử phạt từ 14 – 16 triệu đồng. Mức phạt tiền này cao gấp 3 lần so với quy định trước đây.