Nhiều ý kiến cho rằng việc giảm lãi suất rất khó, nhất là khi NHNN vừa muốn hạ lãi suất vừa muốn kiểm soát lạm phát?
- Bước vào năm 2016 nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, điều hành lãi suất năm nay rất khó khăn. Tuy nhiên để thực hiện chủ trương của Chính phủ phấn đầu giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì NHNN đã thông qua 1 số giải pháp.
Thứ nhất, trong điều hành hàng ngày, NHNN điều tiết lãi suất hợp lý để làm sao đạt được mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất và ngăn xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất đã diễn ra tại một số ngân hàng trong những tháng đầu năm.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Thứ hai, khi chỉnh sửa Thông tư 36, NHNN đã đưa ra lộ trình phù hợp hơn đối với những điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng như hệ số rủi ro với các khoản cho vay liên quan đến bất động sản.
NHNN đang phải đối mặt với việc giảm lãi suất sẽ gây áp lực lên tỷ giá khi mà lãi suất tiền gửi USD giảm về 0%?
Đúng là lãi suất VND giảm xuống thì sẽ áp lực tăng tỷ giá.Tuy nhiên, năm 2016 rất khác biệt, đó là NHNN đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới, việc công bố tỷ giá trung tâm lên xuống hàng ngày đã giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ. Chính vì vậy áp lực tăng tỷ giá khi lãi suất VND ở mức thấp đã giảm đi rất nhiều.
Những sự kiện xảy ra như Brexit có tác động tới tăng tỷ giá, nhưng chỉ tăng nhẹ và về cơ bản tỷ giá, thị trường ngoại hối vẫn ổn định trong 6 tháng đầu năm.
Nhiều chuyên gia lo ngại về sự bất ổn của tỷ giá trong năm nay khi nhiều áp lực từ bên ngoài như Fed tăng lãi suất, đồng Nhân dân tệ phá giá…?
- Đúng là môi trường kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường cũng có tác động tâm lý đối với thị trường tiền tệ và ngoại hối trong nước.
Tuy nhiên, tỷ giá và thị trường ngoại hối rất ổn định, đó chính là nhờ khi chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới thì đã giúp giải tỏa tâm lý găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế rất nhiều.
Điểm thứ hai rất quan trọng là trong điều hành hàng ngày, NHNN đã bám sát theo dõi diễn biến của thị trường, của quốc tế để công bố tỷ giá trung tâm phù hợp.
Thưa bà, cùng với việc bình ổn tỷ giá, việc tăng dự trữ ngoại hối cũng là bài toán rất khó. Vậy lời giải cho bài toán này trong thời gian tới là gì?
- Đúng là làm thế nào để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước là câu chuyện rất khó khăn.
Bằng các giải pháp điều hành của NHNN theo phương châm nâng cao vị thế VND, tất cả các giải pháp điều hành kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ thì đều khuyến khích người dân nắm giữ VND và giảm tâm lý găm giữ bằng ngoại tệ.
Chính vì vậy, khi chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới thì tâm lý giải tỏa và NHNN khi có điều kiện là mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Khi mua ngoại tệ thì đồng nghĩa với việc đưa VND ra nền kinh tế. Nhưng bằng các giải pháp công cụ của mình, NHNN đã hút tiền về điều tiết phù hợp sao cho tăng dự trữ ngoại hối nhà nước nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát tiền tệ theo mục tiêu của chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra.
Trước diễn biến kinh tế được dự báo từ nay đến cuối năm thì mức tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2016 liệu có đạt mục tiêu như kỳ vọng của ngành ngân hàng không?
Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6.2016 đã đạt mức là 8,16%, mức tăng này cao hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái và khá phù hợp với chỉ tiêu định hướng của năm 2016 đã đề ra từ đầu năm. Từ nay đến cuối năm, NHNN cũng sẽ điều hành các giải pháp để làm sao mà TTTD sẽ đạt định hướng từ 18-20% trong năm 2016.
Xin trân trọng cảm ơn!