Các thí sinh đang làm thủ tục đăng ký xét tuyển trực tuyến tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Ngày 2.8, các thí sinh trên cả nước đã bước vào ngày thứ hai đăng ký xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn đăng ký xét tuyển thông qua internet hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện, nhưng rất nhiều thí sinh vẫn tới trực tiếp trường để đăng ký.
Thạc sĩ Lê Hùng Cường - Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, trong ngày 1.8, trường đã nhận được 968 lượt đăng ký xét tuyển. Tính tới 16h30 ngày 2.8, tổng lượng thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường này là 1.534 thí sinh.
Năm nay, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển sinh 3.800 chỉ tiêu, trong đó có hai ngành lần đầu tuyển sinh là Tâm lý học giáo dục và Ngôn ngữ Hàn Quốc.
Đánh giá về hình thức đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm nay, ông Cường cho rằng, quy định cho phép đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường 2 ngành đã giúp các thí sinh và phụ huynh có tâm lý khá thoải mái.
“Hình thức xét tuyển năm nay khoa học và tạo không khí, tâm lý thoải mái cho cả thí sinh và phụ huynh. Đặc biệt là hình thức đăng ký xét tuyển trực tuyến giúp các thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào ngôi trường ĐH, CĐ mong muốn dù đang ở bất kỳ đâu có internet”, ông Cường đánh giá.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều thí sinh và phụ huynh chưa quen với việc đăng ký qua mạng nên đã trực tiếp tới trường để đăng ký. Ghi nhận tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thay vì nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển như mọi năm, nhà trường đã chuẩn bị sẵn 20 máy tính xách tay chia đều ở 2 hội trường lớn với 6 cán bộ chuyên trách hướng dẫn thí sinh đăng ký quá mạng.
Bên ngoài, 50 sinh viên tình nguyện có nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn thí sinh. Bên cạnh đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng bố trí lực lượng viết sẵn giấy chuyển tiền để sau khi đăng ký trực tuyến xong, các thí sinh và phụ huynh có thể mang ra ngân hàng nộp lệ phí xét tuyển nhanh chóng.
Theo Phó trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, điểm chuẩn ĐH, CĐ năm nay sẽ rất khó đoán cho tới phút chót.
“Các thí sinh có điểm thấp hoặc cao có thể sẽ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ngay từ những ngày đầu trong đợt này, nhưng các thí sinh có điểm sàn sàn có thể sẽ còn tiếp tục nghe ngóng tình hình trước khi quyết định. Do đó, điểm chuẩn năm nay sẽ thật sự rất khó đoán cho tới khi kết thúc nhận hồ đăng ký xét tuyển”, ông Cường nhận định.
Trong khi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hỗ trợ trong quá trình làm thủ tục đăng ký xét tuyển thì Trường ĐH Công thương TP.HCM cho phép thí sinh nộp trực tiếp hồ sơ và lệ phí xét tuyển ngay tại trường.
Các chuyên viên tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đang hỗ trợ thí sinh hoàn thành thủ tục xét tuyển trực tuyến.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo - Trường CĐ Công thương TP.HCM cho biết, tính đến 16h ngày 2.8, trường đã nhận được 1.500 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong đó có khoảng 1.000 lượt đăng ký trong ngày đầu (1.8) và hơn 500 lượt trong ngày thứ hai (2.8). Đặc biệt, Trường CĐ Công thương TP.HCM ghi nhận khoảng 70% lượng thí sinh đến trực tiếp trường để đăng ký, thay vì đăng ký qua mạng hay đường bưu điện.
“Các thí sinh muốn trực tiếp đăng ký qua mạng, nhà trường sẽ hỗ trợ và hướng dẫn thí sinh đăng ký bằng các máy tính trong thư viện của trường”, ông Tuấn nói.
Các thí sinh đang viết phiếu đăng ký tại Trường CĐ Công thương TP.HCM.
Tương tự, tại Trường CĐ Cao Thắng, nhà trường cũng sắp xếp gần chục máy tính trong hội trường để thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến bên cạnh hình thức nộp trực tiếp. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, các thí sinh chủ yếu vẫn chọn hình thức nộp trực tiếp hồ sơ cho ban tuyển sinh.
Trao đổi với phóng viên, đại diện ban tuyển sinh của một trường ĐH tại TP.HCM cho biết thêm: “Thực tế, nhà trường có thể truy cập vào hệ thống đăng ký xét tuyển để tải dữ liệu về. Từ dữ liệu này, nhà trường sẽ biết mức điểm chuẩn khi so với chỉ tiêu; nhưng khác với năm trước, năm nay, những số liệu này không thể được công bố sớm”. |