Dân Việt

Mối hiểm họa đằng sau sự trả thù của Tổng thống Erdogan

Phương Đăng 02/08/2016 19:51 GMT+7
Thoát nạn sau âm mưu đảo chính đêm 15.7 bất thành, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngay lập tức củng cố quyền lực và tiến hành trả thù tàn khốc bằng cách thanh trừng những người liên quan đến cuộc chính biến và bất cứ người nào bị cho là không đủ trung thành với ông.

img

Hậu đảo chính: Những gì đã xảy ra

Chính quyền Tổng thống Erdogan đã nhanh chóng ban hành các biện pháp chống đảo chính mạnh mẽ trong vòng 2 tuần qua, thông qua một đạo luật đặt Thổ Nhĩ vào tình trạng khẩn cấp tạm thời.

Điều này cho phép ông Erdogan có toàn quyền thông qua những luật mới mà ông muốn và được quyền quyền tiến hành bắt giữ không cần tra xét trong 30 ngày.

Khoảng 18.000 người đang bị bắt giam và 60.000 nhân viên chính phủ đã mất việc kể từ sự kiện đảo chính đêm 15.7 cho đến nay.

Thứ Tư tuần trước, 149 vị tướng và đô đốc hàng đầu trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bị ông Erdogan thẳng thừng sa thải. Ở dưới họ, hàng nghìn binh sĩ khác đang bị giam giữ và thấp thỏm chờ đợi phán quyết cuối cùng.

Tổ chức Ân xá Quốc tế tuần trước cáo buộc, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang giam giữ hàng nghìn binh lính tham gia đảo chính trong chuồng ngựa. Họ bị bỏ đói, trói quặt chân tay, không được chăm sóc y tế, bị đánh đập, tra tấn và thậm chí bị hãm hiếp. Tổ chức này khẳng định, họ đang nắm trong tay nhiều bằng chứng đáng tin cậy để chứng minh cáo buộc trên.

Tuy nhiên, cho đến nay, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn im lặng và cuộc thanh trừng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mà thay vào đó, đang tiếp tục được mở rộng.

img

Thổ Nhĩ Kỳ bắt những người liên quan đến vụ đảo chính

Thậm chí, sự trả thù của chính quyền Erdogan còn bị cho là đã mở rộng ra ngoài phạm vi quân đội hay những người âm mưu đảo chính khi hàng loạt tờ báo, tạp chính, kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị đóng cửa. Kéo theo đó là hàng chục nhà báo bị bắt giữ. Ngoài ra, hàng nghìn giáo viên, thẩm phán và công tố viên cũng bị vạ lây.

Theo đó, sự trả thù của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang dấy lên nhiều quan ngại liên quan đến tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như sự căng thẳng trong quan hệ của nước này với phương Tây có thể sẽ phá hoại cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nhiều nhà lãnh đạo Mỹ đã lên tiếng cảnh báo, chính quyền mới ở Washington sẽ phải tính đến những thách thức nói trên.

Kẻ thù ông Erdogan thực sự muốn loại bỏ là ai?

Sau tất cả, ông Erdogan đang ra sức loại sạch khỏi bộ máy chính quyền những người được gọi là "Gulenists" - những tín đồ ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen, người hiện sống lưu vong tại Mỹ.

Ankara đã cáo buộc giáo sĩ Gulen đứng sau dàn dựng vụ đảo chính, đồng thời yêu cầu Washington dẫn độ ông Fethullah Gulen về nước.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim thậm chí còn thẳng thừng cảnh báo, "những quốc gia nào ủng hộ Gulen sẽ bị xem là trong tình trạng chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ".

Trên thực tế, trước khi vụ đảo chính xảy ra, chính quyền Erdogan đã không "vừa mắt" với giáo sĩ Gulen. Và do đó, Gulenists - những người ủng hộ Gulen cũng trở thành cái "gai trong mắt" ông Erdogan. Điều đáng nói là, Gulenists hiện diện ở khắp mọi nơi trong bộ máy cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ, từ quân đội, tư pháp, chính phủ cho tới truyền thông.

Từng có thời, phong trào Gulen là đồng minh của đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Erdogan. Nhưng liên minh này tan vỡ năm 2013. Kể từ đó, ông Erdogan xem phong trào Gulen và Gulenists là mối đe dọa cho quyền lực của mình. Đáng ngại hơn cả là kẻ thù của ông lại "bám rễ" ngay trong chính quyền của ông. Và vụ đảo chính đêm 15.7 là cơ hội tuyệt vời để ông Erdogan nhổ tận gốc "mầm họa" khiến ông "mất ăn mất ngủ".

Hiểm họa đằng sau sự trả thù của ông Erdogan 

img

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Thổ Nhĩ Kỳ là "mắt xích" quan trọng trên bàn cờ chính trị quốc tế. Chẳng hạn, Liên quân do Mỹ dẫn đầu rất cần căn cứ quân sự ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ để xuất kích các máy bay ném bom chống khủng bố IS. Liên minh châu Âu (EU) cần Thổ Nhĩ Kỳ như bức tường chặn dòng người tị nạn từ Syria đổ vào Lục địa già.

Tuy nhiên, bất chấp vai trò quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ giữa nước này và phương Tây đang ngày càng căng thẳng, và có nguy cơ chuyển từ "bạn thành thù" nếu chiến dịch trả thù tàn khốc của chính quyền Erdogan vẫn tiếp diễn.

Phương Tây đã thể hiện sự không hài lòng và lên tiếng cảnh báo về chiến dịch thanh trừng hàng loạt cũng như những động thái thâu tóm quyền lực rõ ràng của ông Erdogan thời hậu đảo chính.

Còn chính quyền Ankara cũng đang tìm mọi cách gây áp lực để Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen về nước chịu tội.

Trên thực tế, vụ đảo chính chỉ khoét sâu thêm mối bất hòa trong những năm gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Chính quyền Obama nhiều năm qua không vừa lòng với cách cai trị cứng rắn của Tổng thống  Recep Tayyip Erdogan đồng thời chỉ trích Ankara chưa hết lòng hỗ trợ cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng IS do Mỹ dẫn đầu.

Mỹ đã nhiều lần thúc giục chính quyền Erdogan cần phải đẩy mạnh nỗ lực đóng cửa biên giới phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria để ngăn chặn chiến binh nước ngoài vượt biên gia nhập IS.

Trong khi đó, về phần mình, Ankara cũng bất mãn với việc Mỹ ủng hộ và xem các đơn vị dân quân người Kurd (YPG) là một trong những đồng minh chiến trường chiến đấu với IS hiệu quả nhất.

Ankara vốn xem người Kurd ở Syria là kẻ thù không đội trời chung và đổ lỗi cho người Kurd là thủ phạm của một loạt các vụ đánh bom đẫm máu gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới chuyên gia nhận định, nếu lần này Washington nhất quyết không đáp ứng yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gulen của chính quyền Erdogan, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và châu Âu sẽ khó lòng cứu vãn. Theo đó, sự sụp đổ trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phá hỏng cuộc chiến chống IS cũng như làm phức tạp thêm nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn đang ám ảnh giới lãnh đạo Lục địa già.

Ngoài ra, cuộc thanh trừng của chính quyền Erdogan cũng dấy lên quan ngại cho tương lai của chính Thổ Nhĩ Kỳ khi nó tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến nền kinh tế, lẫn chính trị của nước này.

Việc sa thải hàng chục nghìn nhân viên chính phủ đe dọa sự hoạt động trơn tru của bộ máy nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cũng như gieo rắc nỗi sợ hãi lên các Gulenists trong khu vực tư nhân (đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế) - nơi họ đóng vai trò rất quan trọng.

Đáng ngại hơn là, nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể sẽ rơi vào tình trạng bất ổn kéo dài trong bối cảnh ông Erdogan ra sức củng cố quyền lực, tiến hành kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.