Nhiều ngôn từ mỹ miều đã được đưa ra cho cuộc hôn nhân giữa Sacombank và SouthernBank, như “gả con gái cho đại gia có tiền”, “cuộc hôn nhân lớn”, “kết quả của sự kiên trì”… Vậy nhưng, chỉ 3 tháng sau hôn nhân, Sacombank liên tục lâm vào tình trạng bết bát, vị thế của ngân hàng không tăng lên như dự tính của HĐQT.
Ôm nợ xấu nghìn tỷ, lợi nhuận Sacombank bốc hơi
Sacombank vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 với lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 363 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm tới 76% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm đó là do chi phí dự phòng rủi ro tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, quý II.2016 chi phí dự phòng lêm tới 681 tỷ đồng, luỹ kế 6 tháng là 731 tỷ đồng. Chi phí hoạt động cũng tăng lên 2.824 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,83%, trong khi cuối 2015 chỉ 1,85%. Tổng nợ xấu 6 tháng đầu năm của Sacombank là 5.649 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới 3.210 tỷ đồng.
Sau cuộc hôn nhân với SouthernBank, Sacombank tuột dốc không phanh
Trước đó, quý IV.2015, Sacombank lỗ trước thuế 738 tỷ đồng và lỗ sau thuế 583 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, Sacombank lãi trước thuế 1.289 tỷ đồng, giảm 55% cùng kỳ. Như vậy, kết quả kinh doanh quý IV.2015 đã làm cho lợi nhuận của ngân hàng “bốc hơi” gần một nửa thành quả đạt được trong 9 tháng đầu năm là 2.140 tỷ đồng.
Dự phòng rủi ro quý IV.2015 cũng tăng vọt, từ mức 187 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014 lên tới 1.125 tỷ đồng trong quý cuối năm 2015, tương đương dự phòng tăng gấp hơn 6 lần.
Do nhận sáp nhập SouthernBank nên mặc dù đã mạnh tay trích lập dự phòng, chất lượng nợ cũng có thay đổi theo chiều hướng gia tăng, với tỷ lệ nợ xấu từ 1,19% đầu năm lên 1,87% vào cuối năm. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến từ 980 tỷ đồng lên 3.029 tỷ đồng.
Quý I.2016 của Sacombank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 199 tỷ đồng, bằng ¼ kết quả cùng kỳ năm trước. Sau thuế, ngân hàng đạt 161 tỷ đồng, giảm 74%.
Theo giải trình của ngân hàng, nguyên nhân khiến lợi nhuận trong quý I.2015 sụt giảm mạnh chủ yếu là do thu nhập lãi thuần giảm hơn 700 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí trả lãi tiền gửi hơn 1.200 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cuối kỳ đạt 2,28%, tăng so với mức 1,85% tại thời điểm đầu năm. Chi phí hoạt động phát sinh trong kỳ cũng tăng đột biến 32,8% lên 1.464 tỷ đồng.
SouthernBank công bố nợ xấu đến cuối tháng 12.2013 công bố là 3,39%. Báo cáo Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 10.7.2015 dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho thấy, tỷ lệ nợ xấu thực tế tại SouthernBank tại 30.6.2012 là 45,6%, tháng 11.2013 lên tới 55,31%, tương đương với 23.483 tỷ đồng tại thời điểm tháng 11.2015.
Rõ ràng lợi nhuận giảm do Sacombank nhận sáp nhập SouthernBank từ tháng 10 năm ngoái và ngân hàng phải tăng mạnh phần trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu của SouthernBank chuyển sang.
Ẩn số nhân sự
Không chỉ sụt giảm lợi nhuận, hàng loạt bê bối chưa từng có tiền lệ tại Sacombank đã xảy ra. Đó là vào cuối tháng 3.2016, Sacombank đã có văn bản gửi Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) đề nghị gia hạn công bố báo cáo kiểm toán năm 2015. Theo Sacombank, lí do của việc này là Sacombank vẫn chưa nhận được hướng dẫn và phê duyệt phương án tái cơ cấu sau sáp nhập của Ngân hàng Nhà nước.
Đề nghị này của Sacombank đã bị Uỷ ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) từ chối thẳng thừng.
Câu trả lời của UBCKNN là ngày 20.1 năm nay, cơ quan này đã có hướng dẫn cụ thể thực hiện một số vấn đề liên quan đến công bố thông tin báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, báo cáo quản trị công ty đối với công ty đại chúng. Theo đó, báo cáo tài chính năm 2015 được kiểm toán về thời hạn vẫn được áp dụng theo thông tư số 52/2012 của bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, lý do xin gia hạn nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 của Sacombank không thuộc lý do bất khả kháng theo quy định.
Tuy vậy, đến nay, Sacombank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015.
Không chỉ vậy, Sacombank hiện cũng đang tỏ ra quá chậm trễ trong tổ chức ĐHĐCĐ năm 2016, dù trước đó, ngân hàng này có văn bản xin hoãn tổ chức đại hội sang tháng 6, chứ không phải tháng 4 theo quy định của luật.
Lý do được ngân hàng này đưa ra là trong năm 2015, Sacombank đã thực hiện nhận sáp nhập Southernbank. Hiện tại Sacombank đang chờ hướng dẫn và phê duyệt Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập của NHNN.
Vậy nhưng, nay đã bước sang tháng 8, Sacombank vẫn chưa có thông tin về kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016.
Tuy nhiên, câu chuyện đáng bàn nhất của Sacombank là vấn đề nhân sự. Sau cuộc thâu tóm thành công Sacombank, ông Trầm Bê đã trở thành Phó chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, sau khi thực hiện sáp nhập thành công Sacombank và SouthernBank, ông Trầm Bê và người có liên quan phải uỷ quyền toàn bộ cổ phần ở Southernbank (20,14%) và Sacombank (6,89%) không huỷ ngang sang cho NHNN. Đồng thời, cá nhân ông Trầm Bê cũng không được tham gia điều hành Sacombank.
Ai sẽ là người ngồi “ghế nóng” tại Sacombank? Đây là câu hỏi mà cổ đông, nhà đầu tư và thị trường trông ngóng. Nhiều ý kiến cho rằng NHNN sẽ cử người vào điều hành tại Sacombank, nhưng cũng có thông tin người cũ từng sáng lập ngân hàng này sẽ quay trở lại. Tất nhiên, đây mới chỉ là thông tin bên lề. Hiện thị trường vẫn chờ lịch tổ chức ĐHĐCĐ của Sacombank.