Với tổng diện tích khoảng 120 ha, chiếm trên 70% tổng diện tích toàn tỉnh Quảng Ngãi đã đưa Bình Phước trở thành địa phương "sở hữu" rừng ngập mặn lớn nhất của tỉnh.
Niềm vui với một mẻ lưới đầy cá
Đặc biệt với số diện tích dừa nước ước hơn 70ha/120ha, vô số luồng rạch lớn nhỏ dọc ngang chạy dưới bóng dừa, nơi đây còn được ví gọi là "Nam bộ" của Quảng Ngãi.
Có diện tích rừng dừa nước rộng trên 70 ha, nên nơi đây được ví là "Nam bộ" của Quảng Ngãi
Cũng như cuộc sống ở những vùng sông nước, một trong những nguồn thu chính của nhiều hộ dân nơi đây là đánh bắt cá, tôm bằng các hình thức đơn giản như giăng nó, câu, thả lưới...
Theo đó hàng ngày cứ vào sáng sớm, hay chiều muộn, người dân lại í ới gọi nhau mang lưới, câu... rồi chèo thuyền ra rừng dừa nước để đánh bắt cá, tôm.
Người dân chèo thuyền đi đánh bắt cá ở rừng dừa nước
Việc đánh bắt chủ yếu bằng các hình thức đơn giản và thủ công như lưới, câu
...và giăng đó
Vẫn chầm chậm khua chèo đều đặn để chồng thả lưới, chị Võ Thị Hải (32 tuổi, ở xóm Cà Ninh, thôn Phú Long 1) bộc bạch: Ở xóm này có khoảng 80 hộ dân thì đến 2/3 số gia đình sống nhờ vào việc đánh bắt ở rừng dừa nước nơi đây.
Cá, tôm... ở rừng dừa nước khá nhiều
Như thể bù lại cho việc "mọc chiếm" một diện tích đất, tại khu vực rừng dừa nước Bình Phước, lượng cá, tôm khá nhiều. Theo đó, chỉ vài tay lưới, dàn câu... mang đi giăng, thả thì tiền thu về cũng được 200.000-400.000 đồng/ngày/người.
Gỡ cá dính lưới do người nhà thả và đem về
"Không ít hôm vô mánh khi may mắn giăng, thả gặp luồng thì lượng tôm, cá bắt được bán trên dưới cả triệu đồng/ngày/người", lão ngư Bùi Vũ (54 tuổi) không giấu giếm.
Được biết xã Bình Phước không có biển, thế nhưng với việc sở hữu diện tích rừng ngập mặn lớn nhất tỉnh, đặc biệt là rừng dừa nước "lắm cá nhiều tôm" nên sản lượng cá nước ngọt, nước lợ khai thác hàng năm khoảng 25 tấn, tạo nguồn thu khá giúp cho hàng trăm hộ gia đình địa phương có cuộc sống khá ổn định.