Nguyễn Quang Huy (SN 1995, Bắc Ninh) đang là sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội. Ở trường, Huy được bạn bè đặt cho biệt danh là “phù thủy” hay “đôi bàn tay ma thuật” bởi khả năng biến những đồ vật tưởng chừng như vô giá trị thành các tác phẩm nghệ thuật.
Vốn đam mê nghệ thuật, sự sáng tạo cùng đôi bàn tay khéo léo, ngay từ nhỏ Huy đã tự mày mò xin đồ chơi hỏng, phế liệu về để tự chế thành các món đồ chơi theo ý mình. Lớn hơn một chút, Huy nổi tiếng ở trường trung học với những chiếc vòng tay handmade, dream catcher…
Không dừng lại ở những món đồ chơi đơn giản, Huy vẫn mơ ước thực hiện được những tác phẩm khó, có tính thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật cao. Trong đó, Huy đam mê xếp thuyền trong chai.
Với niềm đam mê của mình, Huy có thể nói chuyện cả tiếng đồng hồ về thuyền, biển, về cách chế biến và kết hợp những đồ vật tưởng chừng như vô giá trị thành tác phẩm nghệ thuật: “Hình ảnh con sóng lấp lánh lăn tăn trên mặt biển xanh đưa đẩy chiếc thuyền ra biển lớn luôn khiến tôi vô cùng xúc động. Đó cũng chính là động lực để tôi làm ra những chiếc thuyền trong chai để chia sẻ tình yêu biển cả của mình với mọi người”.
Ngày đầu tập làm thuyền trong chai cũng là thời gian khó khăn nhất, chàng sinh viên trẻ thường lang thang cả ngày ở các bãi phế liệu, nhặt từng que kem bỏ đi, bóng đèn cũ, mẩu gỗ thừa, chai thủy tinh… làm vật liệu. Sau đúng 1 ngày vật lộn với đống phế liệu, sản phẩm đầu tiên là chiếc thuyền buồm Hạ Long trong bóng đèn thủy tinh đã ra đời.
Trải qua hơn 1 năm tập luyện và làm việc không ngừng, đến nay để cho ra đời 1 chiếc thuyền trong bóng đèn, Huy chỉ mất từ 15 tới 20 phút. Thế nhưng nghề chơi nào cũng lắm công phu, đôi bàn tay của Huy giờ chằng chịt vết chai sần và sẹo bởi hàng trăm lần thủy tinh vỡ cứa vào tay.
Chàng sinh viên trẻ luôn cố gắng và không ngừng sáng tạo để mỗi sản phẩm làm ra phải có sự khác biệt, mới lạ, từ chiếc thuyền buồm Hạ Long nhỏ cho tới những chiếc thuyền du lịch, hay thậm chí tàu Ngọc Trai Đen, tàu Titanic, máy bay…
Chiếc tàu Ngọc Trai Đen trong phim Cướp biển vùng Caribbean là một trong những tác phẩm khó mà Huy mất khá nhiều công sức để thực hiện. Huy cho biết: “Công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn và sự tập trung cao độ bởi bạn sẽ phải đưa hàng trăm chi tiết nhỏ như que tăm vào trong một cái chai và sắp xếp chúng qua một cái lỗ chỉ chừng 2cm chỉ với chiếc nan hoa xe đạp”.
Những tác phẩm nghệ thuật kỳ công và phức tạp là vậy nhưng bộ đồ nghề của Huy lại đơn giản đến không ngờ, từ những chiếc nhíp, compa, dao rọc giấy, màu vẽ, nan hoa xe đạp hay bất kể vật dụng gì mà Huy cảm thấy có ích đều được tận dụng tối đa.
Qua đôi bàn tay và óc sáng tạo Huy, những món đồ phế thải, vô giá trị đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật, mà nhờ đó chàng “phù thủy” 9x này đã có thể tự trang trải học phí và lo cho cuộc sống đắt đỏ nơi thành phố.