Mô hình rau sạch được thực hiện từ năm 2013 với số vốn đầu tư từ chương trình xây dựng nông thôn mới khoảng 140 triệu đồng. Trong năm đầu tiên, chương trình hỗ trợ cho 13 hộ bản Na Tổng san lấp mặt bằng, làm bờ rào kiên cố, xây bể và hệ thống nước tưới, hỗ trợ phân, giống...Sau năm 2013, các hộ tự chăm sóc diện tích đã được giao khoán và phải đảm bảo được rau được trồng 100% là rau sạch.
Các hộ dân ở đây cho biết, khi được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ họ rất phấn khởi chăm sóc vườn rau. Trên diện tích được gieo trồng, không hộ nào được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại thuốc kích thích tăng trưởng cho rau. Vì vậy, rau Na Tổng được thị trường ưa chuộng và được tiêu thụ rộng rãi. Khi đến vụ mùa, cả 2 ha diện tích gieo trồng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường.
Hệ thống nước tưới được đầu tư ổn định nên rau phát triển tốt quanh năm. Mùa nào rau nấy, tùy theo điều kiện thời tiết, mỗi mùa vụ trung bình cho thu nhập 7-8 triệu đồng/hộ. Đây chính là hướng thoát nghèo cho các hộ dân bản Na Tổng.
Mùa vụ này, bà con tâp trung vào trồng ớt hiểm lai. Trong năm đầu tiên thử nghiệm loại ớt này nhiều hộ đã cho thu nhập cao, trung bình từ 10-12 triệu đồng/hộ.
Chị Vi Thị Thắng - Hội phó mô hình trồng rau sạch của bản Na Tổng cho hay: "Ban đầu loại ớt hiểm này cho quả rất tốt, hộ nào cũng thu nhập cao nên bà con rất tin tưởng. Đến hết mùa ớt lại chuyển sang trồng rau sạch cho vụ tết. Vụ rau vừa qua hầu hết các hộ đều thu nhập cao do rau ở đây phát triển tốt còn ở các nơi khác bị hư hại do giá rét".
Ngoài trồng rau, cà ngọt cũng là 1 lợi thế của bản Na Tổng. Tuy nhiên, loại cà này du nhập từ vùng cao Kỳ Sơn về nhiều nên thị trường tiêu thụ khó khăn hơn.
Vườn rau mồng tơi được bà con chăm sóc cẩn thận nên những ngày nắng hạn vẫn rất tươi tốt.
Vườn vừng đen bắt đầu cho thu hoạch.
Đậu bắp - 1 loại cây mới được trồng thử nghiệm ở Na Tổng. Chị Cao Thị Thân - Hội trưởng mô hình trồng rau sạch cho biết: "Loại đậu bắp này rất dễ trồng ở vùng đất Na Tổng và cho thu hoạch tốt. Tuy nhiên, bà con vùng cao chưa quen với loại thực phẩm này nên khó tiêu thụ. Sắp tới sẽ trồng để mở rộng thị trường tiêu thụ sang các vùng khác".