Hai vợ chồng anh Việt thu hoạch chanh.
Với hơn 1,2 ha đất đá ong, trước đây toàn bộ diện tích này được gia đình anh dùng để gieo trồng mía, nhưng hiệu quả không cao. Năm 2012, tận dụng nguồn quỹ đất đai hiện có, anh Việt đã đã tìm tòi và đọc trên sách báo, phát hiện ra giống chanh gai có nguồn gốc từ Nam Đàn với khả năng đặc biệt là phù hợp với đất nghèo chất dinh dưỡng và cho năng suất cao, gia đình anh bắt đầu tìm mua cây giống, trồng gần 600 gốc trên toàn bộ diện tích đất đá ong của gia đình.
Những ngày đầu đưa cây chanh gai vào trồng, gia đình anh không khỏi lo lắng, bởi việc trồng chanh với diện tích lớn nhưng được sự quan tâm, động viên của cấp uỷ, chính quyền xã Nghĩa Đức, học hỏi kinh nghiệm nên anh nhận thấy đây là giống cây dễ trồng, dễ chăm sóc và đặc biệt là dễ thích nghi.
Chanh gai trồng trên đất đá ong
Anh Trần Quốc Việt chia sẻ: Cây chanh gai khoảng 6 – 9 tháng sau khi trồng, cây đã cho vài trăm hoa và đậu được nhiều trái trên cây, tuy nhiên cây còn nhỏ chưa đủ sức nuôi nên cần vặt bớt trái để giúp cây mau phát triển hơn. Trồng chanh thu quả vào tháng 6, 7 âm lịch. Tỉa lá vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch rất hợp lý, không ảnh hưởng đến hoa và đậu quả mà còn kích thích sự ra hoa và phát triển cây.
Ở năm đầu tiên vườn chanh của gia đình đạt trên 8 tấn/ha, cây tiếp tục cho năng suất cao ở những năm tiếp theo, đạt từ 15 đến 20 tấn, giá bán giao động từ 8.000đ – 25.000đ/kg thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng. Sau khi thu hoạch lứa trái đầu tiên thì cứ 15 – 20 ngày ta sẽ thu hoạch lứa tiếp theo. Tuy nhiên, muốn đạt được năng suất cao nhất người trồng chanh cần phải chăm sóc phân bón đầy đủ và phun thuốc định kỳ cho cây.
Chanh đạt chất lượng, quả to, mọng nước.
Đây là năm thứ 4 gần 600 cây chanh gai của gia đình anh đã cho thu hoạch và đem lại hiệu quả cao, riêng trong tháng 8 này, gia đình anh sẽ xuất bán ra thị trường khoảng 10 tấn quả tươi, thu nhập đạt 100 triệu đồng. Hiện tại, những lứa quả mới cũng đã và đang bắt đầu cho thu hoạch.
Cây chanh gai sau khi cho sản phẩm đã được tư thương ở các vùng như Thái Hoà, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Vinh… tìm đến tận vườn thu mua. Hiện tại, gia đình anh Việt không chỉ có nguồn thu nhập cao từ việc bán chanh mà còn cung cấp nguồn cây giống cho một số hộ nông dân khác trên địa bàn xã và các xã vùng phụ cận. Đồng thời anh luôn hướng dẫn và trao đổi kinh nghiệm trồng chanh gai cho bà con nông dân.
Được biết, cho đến thời điểm này, đã có hàng chục hộ nông dân khác ở xã Nghĩa Đức bắt đầu chuyển đổi mô hình từ trồng cây nông nghiệp ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây chanh gai với số lượng lớn, nhằm từng bước xây dựng vùng cây trồng tập trung, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông Bạch Hưng Nam, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đức cho biết: "Cây chanh gai rất phù hợp với thổ nhưỡng ở vùng đất này, tuy nhiên diện tích bà con trồng còn manh mún, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức cho bà con nông dân đi học tập mô hình của gia đình anh Việt".