Cắt cụt ngón tay là một trong những nét văn hóa được người dân ở bộ lạc Dani, Papua, Indonesia lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Khi các thành viên trong gia đình chết đi, mọi người sẽ để tang họ và thể hiện sự đau buồn bằng cách cắt cụt đi một đốt ngón tay. Bên cạnh đó, người dân cũng dùng tro và đất sét bôi kín mặt để thể hiện nỗi buồn. Tuy vậy, việc cắt ngón tay này chỉ thực hiện với phần lớn phụ nữ trong bộ tộc, một nghi lễ được đánh giá là tàn bạo và khủng khiếp.
Nghi lễ này đã bị chính phủ Indonesia cấm thực hiện trong vài năm gần đây. Ảnh: Odd.
Theo tín ngưỡng từ bộ tộc Dani, nếu người quá cố khi sống là người mạnh mẽ thì khi chết, linh hồn của họ cũng chứa sức mạnh và sẽ đi quấy nhiễu người sống. Do đó, để xoa dịu linh hồn người chết và khiến họ yên tâm siêu thoát, những phụ nữ có họ hàng sẽ phải cắt đốt ngón tay.
Trước khi cắt, ngón tay sẽ được buộc chặt trong vòng 30 phút rồi để khô. Sau đó, chúng sẽ được mang đi đốt và tro của các ngón tay này sẽ được chôn trong một khu vực đặc biệt.
Một số người cũng giải thích rằng, nỗi đau thể chất từ việc cắt ngón tay sẽ tượng trưng cho nỗi đau tinh thần, khi chúng ta mất đi người thân yêu. Người thực hiện cắt ngón tay sẽ là cha, mẹ hay anh chị em ruột. Trong một nghi lễ kỳ lạ khác, các em bé cũng bị mẹ cắt ngón tay với hy vọng, chúng sẽ sống lâu hơn.
Bộ tộc Dani có cuộc sống khá nguyên thủy như nhiều thập kỷ trước do vị trí địa lý xa xôi, khó tiếp cận. Họ sống trong một thung lũng ở độ cao 1.600 m của dãy núi Cyclops, thị trấn duy nhất tên là Wamena. Du khách chỉ có thể đến đây bằng máy bay. Dân số của bộ tộc vào khoảng 250.000 người và là một trong những bộ tộc có dân số cao nhất ở Papua, tỉnh lớn nhất Indonesia. Ngoài truyền thống cắt ngón tay để tang người đã khuất, Dani còn được biết đến là bộ tộc săn đầu người. |
Xem thêm: Bí ẩn đằng sau tục ăn thịt người của bộ tộc Korowai